Tàu cao tốc chạy qua Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: VCG.

 
Hải Miên Thứ Ba | 10/01/2023 16:25

Trung Quốc giảm đầu tư vào đường sắt 3 năm liên tiếp

Trong 9 tháng đầu năm 2022, nhà điều hành đường sắt nhà nước đã báo cáo khoản lỗ ròng 94,7 tỉ nhân dân tệ, tăng 36% so với một năm trước đó.

Đầu tư đường sắt quốc doanh của Trung Quốc đã giảm 5,1% vào năm 2022, năm giảm thứ ba liên tiếp, khi nước này hoàn thành việc xây dựng các tuyến chính của mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới.

Theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc, China State Railway Group, khoản đầu tư vào tài sản cố định của họ đã giảm xuống còn 710,9 tỉ nhân dân tệ (103,4 tỉ USD) vào năm ngoái, từ mốc 802,9 tỉ nhân dân tệ vào năm 2019.

Công ty nhà nước này đã vận hành một mạng lưới đường sắt dài 155.000 km vào cuối năm ngoái, bao gồm 42.000 km đường sắt cao tốc. Khoảng 70% trong số 16 tuyến cao tốc chính theo kế hoạch trên cả nước đã được hoàn thành, bao gồm 8 tuyến chạy theo hướng Đông-Tây và 8 tuyến chạy theo hướng Bắc-Nam. Các dự án còn lại đang được tiếp tục xây dựng.

 

China State Railway cho biết họ sẽ cải thiện mạng lưới trong vài năm tới bằng cách xây dựng thêm các tuyến khu vực để kết nối các thành phố nhỏ hơn vào hệ thống.. Theo ước tính của các nhà phân tích, khoản đầu tư cần thiết cho công trình đường sắt trong tương lai sẽ thấp hơn so với 10 năm qua.

Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động đầu tư vào đường sắt do ít hành khách và hàng hóa được vận chuyển hơn vì hạn chế đi lại. Trong 9 tháng đầu năm 2022, nhà điều hành đường sắt nhà nước đã báo cáo khoản lỗ ròng kỷ lục 94,7 tỉ nhân dân tệ, tăng 36% so với một năm trước đó.

Số lượng hành khách đường sắt đã giảm 35,7% trong 11 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy.

Dịch vụ vận tải hàng hóa đường sắt tương đối ổn định. Tổng lượng hàng hóa vận chuyển tăng 5,1% trong 11 tháng đầu năm, thấp hơn mức tăng 6,1% của cùng kỳ năm trước.

Năm nay, công ty có kế hoạch tài trợ cho việc xây dựng 3.000 km đường sắt mới, giảm 26,8% so với năm 2022.

Trung Quốc chủ yếu dựa vào đầu tư tài sản cố định dựa trên vay nợ, bao gồm xây dựng đường sắt, đường xá, bất động sản và nhà máy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư này đã giảm tốc trong những năm gần đây do lo ngại về tỷ suất lợi nhuận thấp của các dự án hạ tầng và bất động sản, cũng như rủi ro nợ nần tăng cao.

Trong 11 tháng đầu năm 2022, đầu tư tài sản cố định tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng 20,7% của cùng kỳ 10 năm trước.

Có thể bạn quan tâm: 

1/3 nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ suy thoái vào năm 2023

Nguồn Nikkei Asia