Trung Quốc gặp rủi ro lớn từ các doanh nghiệp thua lỗ
Theo Xie, trong nỗ lực chống lại đà suy giảm của nền kinh tế, các chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc đang gây áp lực buộc các ngân hàng phải tài trợ vốn cho doanh nghiệp mà không cần quan tâm đến khả năng sinh lời. Đây là những công ty đang bên bờ phá sản nhưng vẫn tiếp tục hoạt động với sự trợ giúp của chính phủ.
Xu hướng này có thể trở nên rõ ràng hơn khi các doanh nghiệp phải chịu những ảnh hưởng nặng nề từ sự suy giảm của nền kinh tế. Quý II năm nay đã trở thành mùa báo cáo tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử, với các công ty lớn thuộc mọi lĩnh vực, từ ngân hàng đến hàng không, đều công bố lợi nhuận sụt giảm ở mức 2 con số.
Chuyên gia này cũng nhận định hiện tượng này đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực bất động sản và tài chính. Đây vẫn là những lĩnh vực luôn nhận được sự ưu ái từ phía các địa phương trong việc hỗ trợ tài chính.
Mặc dù chính sách này có thể giúp ngăn chặn các vụ phá sản, Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt khi chứng kiến sự trì trệ của nền kinh tế. Trong 1 bài báo được viết hồi đầu năm, Xie đã lưu ý rằng Trung Quốc có thể tránh được hiện tượng vỡ nợ trên diện rộng của các doanh nghiệp bằng cách buộc các ngân hàng phải hỗ trợ những doanh nghiệp thua lỗ. Tuy nhiên, hành động này sẽ gây áp lực lớn lên tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Với tăng trưởng kinh tế suy giảm, chắc chắn lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm nhanh chóng và khó có thể phục hồi do có tỷ lệ đòn bẩy khá lớn. Tiếp theo sau đó, thị trường chứng khoán sẽ sụt giảm. Kể từ đầu năm đến nay, Shanghai Composite đã trở thành chỉ số chứng khoán có diễn biến tồi tệ nhất ở châu Á khi sụt giảm tổng cộng 6%.
Nguồn CafeF