Trung Quốc được và mất gì khi NDT vào rổ tiền dự trữ IMF?
Quyền lực và trách nhiệm
Trong ngày hôm qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chính thức chấp thuận đưa nhân dân tệ của Trung Quốc vào rổ dự trữ tiền tệ của quỹ, đánh dấu sự thay đổi lớn nhất của hệ thống tiền tệ quốc tế trong vòng 3 thập kỷ qua.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đang đưa ra dự báo rằng việc Trung Quốc gia nhập rổ dự trữ của IMF sẽ kéo theo việc có tới 1 nghìn tỷ NDT (tương đương 156 tỷ USD) ngoại hối đổ vào trái phiếu chính phủ của nước này.
Nhân dân tệ đã được chính thức công nhận vào một trong những loại tiền tệ quan trọng trên toàn cầu, cùng với với USD, euro, yên Nhật và bảng Anh. Đây là dấu hiệu rõ nét cho thấy sự ủng hộ của IMF đối với các nỗ lực cải cách kinh tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những chuyên gia hoạch định chính sách trong và ngoài Trung Quốc lại cho rằng quá trình cải cách tại nước này xem ra đang bị chậm lại. Nhiều người cho rằng việc IMF công nhận đồng NDT có thể đem lại sự chủ quan cho các thành phần bảo thủ trong chính phủ Trung Quốc, từ đó gây trì hoãn các nỗ lực cải cách. Một số người khác thì lại cho rằng đây là điều tốt, vì một khi đồng NDT đã vào rổ tiền tệ thì Trung Quốc buộc phải có trách nhiệm hơn với việc kiểm soát tỷ giá.
Câu hỏi về kiểm soát tài chính
Có một vấn đề lớn mà Bắc Kinh đang phải đối mặt hiện nay là nguy cơ tháo chạy của các dòng ngoại tệ khi nền kinh tế đi xuống, đi kèm với nhu cầu về kiểm soát dòng vốn. Kể từ khi bong bóng thị trường chứng khoán sụp đổ vào hồi tháng 7 và tháng 8, các quan chức Trung Quốc đã xiết chặt lại các dòng chảy ngoại tệ để ngăn chặn sự rớt giá của đồng NDT.
Ngoài ra, việc mở cửa thị trường tài chính trong nước cho dòng vốn ngoại cũng là điều mà các quan chức Trung Quốc rất ngần ngại. Nhiều ngân hàng và doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc cũng không muốn điều này xảy ra, vì lo ngại áp lực cạnh tranh.
"Khả năng kiểm soát rủi ro tài chính vẫn chưa được cải thiện", một chuyên viên kinh tế cấp cao tại trung tâm nghiên cứu CCIEE ở Bắc Kinh nhận định. "Bất kỳ sự tháo chạy nào của dòng vốn cũng có thể ảnh hưởng đến kiểm soát rủi ro tài chính trên thị trường... chúng tôi chắc chắn sẽ rất thận trọng về vấn đề này".
Được biết, để góp phần đưa đồng NDT vào rổ tiền dự trữ của IMF, chính phủ Trung Quốc đã thiết lập các giao dịch hoán đổi đồng tiền của nước này với các nước khác muốn dự trữ đồng NDT. Vì thế, điều này sẽ giúp cho thương mại của Trung Quốc trong tương lai có thể thanh toán bằng chính NDT, thay vì quy đổi sang một đồng tiền mạnh hơn. Trung Quốc cũng đã mở rộng biên độ giao dịch của đồng NDT và hướng đến chính sách thả nổi lãi suất về mặt dài hạn.
Bóng ma khủng hoảng
Việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nước này, đồng thời đặt ra những rủi ro mới mà nước này phải đối mặt trong thời gian tới.
Khi đánh giá về vấn đề này, các chuyên gia Trung Quốc lại chia ra làm 2 nhóm khác nhau. Những người phản đối thì cho rằng điều này có thể khiến dòng luân chuyển vốn gia tăng và khó kiểm soát hơn, từ đó gây bất ổn kinh tế.
Còn nhóm chuyên gia còn lại thì cho rằng chính sách này sẽ giúp cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận được với thị trường tài chính dễ dàng hơn, đặc biệt khi đồng NDT trở thành đồng tiền quốc tế.
Theo đó, một nhà kinh tế học của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) nhận định "Chính phủ đã thay đổi ngôn ngữ của họ, từ chỗ 'tăng tốc' khả năng hoán đổi đồng NDT (convertibility) thành 'cải thiện một cách có trật tự'". Ông cũng cho biết Trung Quốccó ý thức rõ nhiều rủi ro trong thời gian tới khi dòng vốn được tự do hóa, điều đã từng gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế Nhật Bản.
Tuy nhiên, ông này cũng nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất hiện giờ của chính phủ Trung Quốc là xử lý các vấn đề nội tại trong nước cho thật tốt, chúng tôi không thể chịu đựng thêm thêm một lần nào nữa nếu thị trường chứng khoán sụp đổ".
Thiên Minh
Nguồn Reuters