Thứ Hai | 17/02/2014 14:36

Trung Quốc đứng trước nguy cơ vỡ nợ tài chính

Một công cụ đầu tư trị giá 160 triệu USD do ngân hàng lớn thứ hai Trung Quốc phát hành đã không thể trả nợ đúng hạn lần thứ 4 liên tiếp.
Sản phẩm "Songhuajiang River No.77" huy động 972,7 triệu NDT (160 triệu USD) thông qua 6 đợt, đã thất bại trong việc trả nợ vốn và lãi cho nhà đầu tư lần thứ tư liên tiếp vào ngày chi trả dự kiến đầu tháng này. Các nhà đầu tư cũng được Quỹ Tín thác tỉnh Cát Lâm - đơn vị cấu trúc sản phẩm nói trên - thông báo rằng họ sẽ không nhận được chi trả vào đợt chi trả thứ 5 dự kiến vào ngày 19-2.

Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), đơn vị đứng ra bán sản phẩm này (dùng huy động vốn cho một công ty than), đã quảng cáo về sản phẩm như một sự đầu tư “ít rủi ro và lợi nhuận cao”, 9,8%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi.

Trước đó, Trung Quốc đã tránh được vụ vỡ nợ tín thác đầu tiên trong ít nhất 1 thập kỷ vào tháng trước, khi các nhà đầu tư trong một sản phẩm tín dụng trị giá 3 tỷ NDT (500 triệu USD) do China Credit Trust Co. phát hành được ứng cứu 3 ngày trước khi đáo hạn. Sản phẩm đầu tư này được bán ra bởi ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, ICBC cũng dùng để huy động vốn cho một công ty than. Các nhà phân tích lo ngại Trung Quốc có thể đối mặt với những vấn đề sâu xa hơn trong lĩnh vực huy động vốn tín thác.

Trung Quốc có tổng cộng tới 5.300 tỷ NDT các sản phẩm tín thác phải đáo hạn trong năm nay, tăng 50% so với năm 2013. Việc vỡ nợ các sản phẩm đầu tư như vậy chắc chắn sẽ gây ra sóng gió lớn cho hệ thống “ngân hàng ngầm” trị giá hàng ngàn tỷ USD của nền kinh tế lớn nhì thế giới.

Sản phẩm "Songhuajiang River No.77" dùng để huy động vốn cho Công ty Shanxi Liansheng Energy. Nhưng công ty này phải nộp đơn tái cấu trúc phá sản vào tháng 11 năm ngoái sau khi phải gánh chịu khoảng 30 tỷ NDT nợ. Dù vậy, Quỹ Tín thác tỉnh Cát Lâm vẫn cho rằng không có vấn đề gì đáng ngại: “Theo chúng tôi biết, cho đến nay không có vấn đề với tài sản của công ty. Công ty đang đàm phán với nhà đầu tư”.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lại vô cùng lo lắng. “Tất cả chúng tôi đều rất hoang mang” - Shanghai Securities News trích lời một nhà đầu tư về ngày đáo hạn 19-2. Cho đến nay, cả Công ty Shanxi Liansheng Energy lẫn CCB đều không tiếp điện thoại của các nhà báo gọi đến, trong khi Quỹ Tín thác tỉnh Cát Lâm lại từ chối bình luận.

Dù có rủi ro vỡ nợ cao, lĩnh vực tín thác của Trung Quốc vẫn phát triển mạnh trong những năm qua do hứa hẹn lợi suất cao hơn so với kênh huy động tiền gửi của ngân hàng. Tài sản tín thác ở Trung Quốc đã tăng tới 46% trong năm 2013, lên 10.900 tỷ NDT (1.800 tỷ USD).

Trong năm 2012, khoảng 20 tỷ NDT sản phẩm tín thác đã gặp khó khăn chi trả, chiếm 0,27% tài sản tín thác lúc đó. Nhiều chuyên gia cảnh báo các công ty không còn khả năng gánh vác những rủi ro gắn với tài sản tín thác. Với sự giúp sức của bảo đảm đầu tư, tín thác đã vượt qua ngành bảo hiểm để trở thành lĩnh vực tài chính lớn nhất Trung Quốc sau ngành ngân hàng.

Tài sản tín thác đã tăng hơn gấp 4 lần kể từ đầu năm 2010, dù các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực kiểm soát dòng chảy tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng. Khoảng 48% sản phẩm tín thác đã được bán để cung cấp tài chính cho khách hàng vay. 1/4 tài sản đó đã đi vào khu vực cơ sở hạ tầng, tính đến cuối năm 2013, tăng 1,6% so với đầu năm, và 10% vào bất động sản.

Theo Vĩnh Cẩm

Nguồn Sài Gòn Đầu Tư


Sự kiện