Trung Quốc đủ lực hỗ trợ nhân dân tệ trong thời gian dài?
Một số chuyên gia, đáng kể là David Woo tại Bank of America, cho rằng Trung Quốc không thể cùng lúc làm cả 2 việc trên: Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) không thể mãi hỗ trợ nhân dân tệ (NDT) bằng cách bán ra dự trữ ngoại hối, trong khi cũng phải mở cửa nền kinh tế và cho phép dòng tiền tiếp tục rời khỏi Trung Quốc.
Việc này khiến dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc tăng quá mạnh, gây bất ổn thị trường tài chính và khiến dự trữ ngoại hối kiệt quệ - hiện chỉ còn 3,51 nghìn tỷ USD tính đến 30/9, giảm từ mức đỉnh 3,99 nghìn tỷ USD trong mùa hè năm 2014.
Nhiều chiến lược gia tin rằng NDT sẽ tiếp tục suy yếu ngay sau khi giới thương nhân quay lại thị trường vào thứ Năm 8/10 sau kỳ nghỉ “Tuần lễ vàng”. Nhưng kể từ khi PBOC phá giá NDT hôm 11/8, đồng tiền này vẫn khá ổn định.
Điều này có thể do PBOC tiến hành can thiệp ngoại hối. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trong tháng 9/2015 giảm 43,3 tỷ USD, nhưng vẫn thấp hơn so với mức giảm 93,9 tỷ USD trong tháng 8/2015.
Rõ ràng, PBOC đang phải xả dự trữ ngoại hối kể từ giữa năm 2014 khi cố gắng duy trì tỷ giá NDT/USD.
Nhưng một số chiến lược gia không coi việc sụt giảm dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là vấn đề trầm trọng.
Doug Borthwick, phụ trách ngoại hối tại Chapdelaine & Co - hãng môi giới tiền tệ liên ngân hàng - cho biết, bạn không thể nói Trung Quốc sẽ cạn kiệt dự trữ ngoại hối vì nước này có thể in NDT và sử dụng khoản tiền này để mua USD.
Hơn nữa, Trung Quốc có thể sẽ không phải dựa vào việc tăng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ NDT trong dài hạn vì khi NDT có được vị thế đồng tiền dự trữ, ngân hàng trung ương các nước khác sẽ ồ ạt mua vào NDT và đồng nội tệ Trung Quốc sẽ lên giá.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang vận động hành lang với IMF để đưa NDT vào giỏ “Quyền rút vốn đặc biệt” (SDR) - hiện gồm 4 đồng tiền là bảng Anh, yên, euro và USD. Việc này sẽ giúp NDT có được vị thế đồng tiền dự trữ và có thể thúc đẩy các ngân hàng trung ương toàn cầu tái cân bằng dự trữ ngoại hối với tỷ trọng lớn hơn NDT.
Hôm thứ Ba 6/10, Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) cho biết, NDT đã vượt qua yên trở thành đồng tiền giao dịch phổ biến thứ 4 trong thanh toán quốc tế.
IMF cũng quyết định rằng sẽ đợi thêm 9 tháng trong năm 2016 trước khi chính thức thông qua giỏ SDR mới, nhưng quyết định về việc có đưa NDT vào giỏ SDR hay không được dự đoán phải đến cuối năm 2016 mới được công bố. Nếu IMF đưa NDT vào giỏ SDR, trong khoảng 1 năm, nhu cầu NDT có thể sẽ tăng mạnh.
Nhật Trường
Nguồn MW