Nguồn ảnh: Reuters
Trung Quốc “đội sổ” trong bảng xếp hạng các quốc gia về bình đẳng giới
Theo một báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, việc Trung Quốc đang dần trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu trong vài thập kỷ qua đã khiến phụ nữ gặp bất lợi và làm tăng bất bình đẳng giới trong lực lượng lao động của họ.
Điều này tương phản với các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu. Trong nhiều năm qua, các nền kinh tế này đã đạt được sự tiến bộ trong việc giảm khoảng cách giới trong thị trường lao động.
Sự bất bình đẳng giới trong lực lượng lao động các nước đang giảm dần. Riêng Trung Quốc lại ngày càng tăng. Nguồn ảnh: ILO |
Trong báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế hồi tuần trước đã so sánh bằng cách xem xét dữ liệu về tỉ lệ tham gia lực lượng lao động nam và nữ. Báo cáo đo lường tỉ lệ tham gia lực lượng lao động giữa nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 64, đang làm việc hoặc đang tìm việc.
Lao động nam chiếm phần lớn trong lực lượng lao động Trung Quốc. Nguồn ảnh: ILO |
Báo cáo của PIIE cho biết yếu tố chính tạo nên khoảng cách giới ngày càng lớn trong lực lượng lao động của Trung Quốc là việc nới lỏng sự kiểm soát của nhà nước đối với thị trường, kể từ khi Trung Quốc cho phép “Tự do hóa kinh tế” dẫn đầu bởi Tổng Bí thư Đặng Tiểu Bình.
Theo các nhà nghiên cứu Eva Zhang và Tianlei Huang, một loạt các cải cách kinh tế kể từ năm 1978 đã khởi động nhiều thập kỷ qua. Điều này kích thích sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Trung Quốc, đồng thời mang lại cho các công ty tư nhân và thậm chí các doanh nghiệp nhà nước nhiều quyền hơn trong một môi trường kinh tế đầy cạnh tranh. Từ đó, dẫn đến nạn phân biệt đối xử với phụ nữ trong lực lượng lao động và trả lương.
Hồ sơ theo dõi Trung Quốc
PIIE báo cáo sự phát triển của kinh tế đang làm nổi bật khoảng cách giới ngày càng lớn trong thị trường lao động Trung Quốc, cả về cơ hội việc làm và thu nhập tiềm năng. Nhưng Trung Quốc khá là kém trong việc tạo nên cơ hội bình đẳng trong lực lượng lao động cho phụ nữ.
Theo một báo cáo được công bố vào tháng 1 trên tạp chí Nghiên cứu chính sách châu Á và Thái Bình Dương của Đại học Quốc gia Úc, vào đầu những năm 1980, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động nữ của Trung Quốc vượt quá nhiều nền kinh tế phát triển khác.
Báo cáo cũng ghi nhận, sự chênh lệch về tiền lương trong giới tính ở Trung Quốc cũng nhỏ hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn như Mỹ.
Báo cáo cũng cho biết những “thành quả” đạt được trước đây, “phần lớn là kết quả của những cam kết mạnh mẽ của chính phủ đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới.” Những cam kết này đã dễ dàng chuyển thành các chính sách và hành động thực tế sau đó, do sự kiểm soát của nhà nước đối với các lĩnh vực rộng lớn của nền kinh tế.
Báo cáo cũng cho biết: “Chính sách khuyến khích phụ nữ đóng góp trong lực lượng lao động cộng đồng là một phần của kế hoạch phát triển quốc gia nói chung trong suốt giai đoạn đó. Sự thống trị ở lĩnh vực kinh tế công đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách bình đẳng giới, khi mà Trung Quốc là một hệ thống được kiểm soát tập trung".
Tuy nhiên, trong những năm sau đó, tỉ lệ lao động nữ tham gia vào thị trường lao động đã giảm dần. Điều này xảy ra ngay cả khi kinh tế Trung Quốc nhảy vọt từ một trong những nền kinh tế nghèo nàn nhất trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên toàn cầu hiện nay.
Tỉ lệ lao động nữ ngày càng bị thu hẹp. Nguồn ảnh: The New York Times |
Báo cáo khẳng định: “Tỉ lệ lao động nữ đã giảm xuống mức thấp theo tiêu chuẩn quốc tế. Khoảng cách giới tính trong việc trả lương ngày càng lớn. Sự phân biệt giới tính trong thị trường lao động ngày càng lan rộng. Nhiều bằng chứng cho thấy sự thiên vị ngày càng tồi tệ đối với quyền làm việc và lãnh đạo của phụ nữ trong lực lượng lao động".
Báo cáo của PIIE chỉ ra rằng, việc giảm sụt các cơ sở chăm sóc trẻ em do nhà nước hỗ trợ đã buộc nhiều phụ nữ phải ở nhà để chăm sóc con cái. Theo đó, xu hướng hiện nay là ngày càng ít các cặp vợ chồng trẻ muốn sống với bố mẹ, những người có thể giúp đỡ họ chăm sóc con cái.
Hậu quả kéo theo đối với nền kinh tế
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, sự bất bình đẳng giới ở Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế và chính trị.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Trung Quốc giữ vị trí thứ 106 trong số 153 quốc gia trên bảng xếp hạng các quốc gia có sự phân biệt giới tính. Về cơ hội của nữ giới trong việc tham gia vào hoạt động kinh tế, Trung Quốc xếp hạng 91 (đứng trên Ấn Độ) trong số 153 quốc gia, đứng sau các nền kinh tế mới nổi như Brazil và Nga, theo WEF.
Theo báo cáo của PIIE, khoảng cách giới trong thị trường lao động Trung Quốc ngày càng mở rộng. Điều này, nếu vẫn còn tồn tại, có thể sẽ trở thành gánh nặng lớn hơn cho nền kinh tế tại thời điểm mà tăng trưởng đang chậm lại.
Lực lượng lao động của đất nước đang bị thu hẹp do tỉ lệ sinh giảm, trong khi tỉ lệ dân số già ngày càng tăng khi mà tuổi thọ của người dân cũng tăng. Chính những thay đổi về nhân khẩu học mà nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu PIIE, việc tăng cường bình đẳng giới có thể chống lại lực cản này.
Các nhà nghiên cứu PIIE cho biết thêm: “Điều này đòi hỏi sự can thiệp chính sách ở quy mô lớn hơn nhằm hỗ trợ có mục tiêu cho phụ nữ. Đồng thời thúc đẩy việc thực thi nghiêm ngặt hơn các luật chống phân biệt đối xử.”
Cuối cùng thì việc san bằng sân chơi kinh tế tại nơi làm việc sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho phụ nữ Trung Quốc mà còn cho toàn bộ nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm:
► Sự phục hồi chậm của Trung Quốc thể hiện con đường gập ghềnh kinh tế toàn cầu
Nguồn CNBC