Trung Quốc đối mặt với làn sóng di cư ồ ạt lần 3
Giám đốc trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, ông Wang Huiyao, cho biết: "Sự khác biệt lớn nhất giữa nhóm di cư hiện tại và trong quá khứ là một lượng lớn người đang di cư thông qua hoạt động đầu tư".
Làn sóng di cư ồ ạt đầu tiên diễn ra vào thập niên 1970, khi Trung Quốc triển khai cải cách kinh tế. Hầu hết những người di cư ở thời điểm này là di cư bất hợp pháp. Làn sóng di cư thứ 2 diễn ra vào cuối những năm 1980, khi thế hệ người lao động có tay nghề kỹ thuật cao đầu tiên của Trung Quốc chuyển ra nước ngoài sinh sống.
Làn sóng di cư hiện tại diễn ra khi những người thuộc tầng lớp giàu nhất của Trung Quốc mang sự giàu có mà họ có được tới những nơi khác. Họ sẽ tạo việc làm cho những người bản xứ ở nơi họ đặt chân đến bằng cách đầu tư vào các doanh nghiệp trong nước. Bản thân các quốc gia này cũng mong muốn họ làm như vậy.
Theo Sách trắng về tầng lớp giàu có ở Trung Quốc do tạp chí Forbes công bố, quốc gia đông dân nhất thế giới có khoảng 10,26 triệu người được coi là giàu có. Trong số này, 2,6% đã di cư trong khi 21,4% khác đang lên kế hoạch di cư. Đáng chú ý, khi được hỏi liệu có muốn gửi con em ra nước ngoài học tập, 74,9% số người trả lời có.
Cho đến nay, cơn sốt di cư đã lan rộng từ các thị trấn ven biển tới các thành phố lớn. Thậm chí, nó còn bắt đầu lan sang các thành phố nhỏ hơn.
Chuyên gia về nhập cư, ông Zhang Yuehui, cho biết: "Trước đây, hầu hết người di cư đến từ các vùng ven biển. Ví dụ, tỉnh Phúc Kiến từng có trường hợp cả làng kéo nhau di cư. Cũng ở Phúc Kiến, nếu bạn mượn tiền để đi học đại học, chắc chắn chẳng có ai chịu bỏ tiền cho bạn. Những nếu bạn muốn di cư bất hợp pháp, họ sẵn sàng chi tiền, vì họ mong muốn thu về được nhiều tiền hơn.
Trước kia, điểm đến của người di cư Trung Quốc là các quốc gia phát triển cao như Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. Bên cạnh đó, những nước này cũng có môi trường kinh doanh tốt cùng chính sách nhập cư mở. Ngược lại, những quốc gia này cũng rộng tay chào đón những người có tài sản và tay nghề cao đến từ Trung Quốc, đồng thời thực hiện các chính sách có ý nghĩa để thu hút nhân tài của đại lục.
Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng nợ gần đây, nhiều quốc gia nhỏ hơn ở châu Âu cũng đang tìm cách thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Những nước này cũng nới lỏng chính sách nhập cư để thu hút các nhà đầu tư. Thậm chí, ở một số quốc gia, chỉ cần mua một căn nhà cũng đủ điều kiện để làm thủ tục nhập cư.
Theo truyền thống, người Trung Quốc ở nước ngoài thường tập trung thành một cộng đồng riêng. Do rào cản lớn về ngôn ngữ và văn hóa cũng như thiếu điều kiện kinh tế lý tưởng, những người nhập cư Trung Quốc thường không bao giờ hoặc không sẵn sàng tham gia vào đời sống chính trị và xã hội ở nước sở tại.
Giờ đây, khi mức độ tài sản và giáo dục của người di cư ngày một tăng cao, người Trung Quốc bắt đầu tham gia nhiều hơn và đóng vai trò tích cực hơn trong cộng đồng của họ và đời sống văn hóa chính trị ở nước sở tại, đặc biệt là giới trẻ Trung Quốc.
Nguồn IBT Times/Dân Việt