Trung Quốc “đòi chủ quyền” với hoa anh đào của Nhật?
Trung Quốc cho rằng Nhật Bản phải cảm ơn họ về loài hoa anh đào nổi tiếng. Một quan chức Trung Quốc mới đây phát biểu, hoa anh đào xuất xứ từ khu vực Himalaya thuộc nước họ bất chấp việc loài hoa này từ lâu đã gắn chặt với hình ảnh của đất nước mặt trời mọc Nhật Bản.
Phát biểu trên được cho là đã khơi ra một mặt trận mới trong cuộc khẩu chiến kéo dài dai dẳng của Trung Quốc nhằm chống lại kẻ thù lịch sử Nhật Bản và mặt trận mới này là về hoa anh đào.
Trung Quốc và Nhật Bản trong những năm gần đây liên tục có các cuộc khẩu chiến vì cuộc tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Hai nước này cũng có cuộc tranh cãi quyết liệt và dai dẳng về cách đối xử của lực lượng chiếm đóng Nhật Bản đối với người Trung Quốc trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Hiện tại, một cuộc khẩu chiến mới lại vừa nổ ra và lần này là về việc nước nào là nước đầu tiên trồng cây hoa anh đào.
Đối với phần còn lại của thế giới, hoa anh đào nở rộ vào mùa xuân là hình ảnh gắn liền với nước Nhật, là biểu tượng của đất nước mặt trời mọc. Tuy nhiên, người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Anh đào của Trung Quốc He Zongru tuần này đã lên tiếng khăng khăng cho rằng “nhiều bằng chính lịch sử cho thấy hoa anh đào xuất phát từ Trung Quốc” chứ không phải từ Nhật Bản.
"Loài hoa anh đào đặc trưng có nguồn gốc từ khu vực Himalaya thuộc Trung Quốc và được đưa đến Nhật Bản chỉ cách đây khoảng 1.100 năm", ông He đã tuyên bố như vậy tại một cuộc họp báo. Thông tin này đã được hãng tin Southern Metropolis News đăng tải lại.
Dù giá trị của những lý lẽ mà ông He đưa ra ở trên có như thế nào thì sự thách thức của ông này đối với một trong những nhân tố then chốt trong hình ảnh quốc tế của Nhật Bản chắc chắn sẽ chẳng có sức nặng hay ảnh hưởng gì nhiều. Có nhiều cây hoa anh đào ở các công viên Trung Quốc nhưng giới chức Trung Quốc chưa bao giờ có nhiều hành động đối với loài cây này như giới chức Nhật Bản đã làm.
Ví dụ như Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản hàng năm thường công bố các bản đồ dự báo thời kỳ nở rộ của mùa hoa anh đào ở các khu vực khác nhau của đất nước.
Nhật Bản cũng coi hoa anh đào là biểu tượng của mình và chính phủ Nhật Bản đã tặng 3.000 cây hoa này cho Mỹ năm 1912. Nhiều trong số này được trồng ở dọc hồ Tidal Basin ở thủ đô Washington và nơi đây giờ là điểm tập trung hàng năm của Lễ hội Hoa Anh đào.
Tokyo cũng đã tặng 2.000 cây hoa anh đào cho Trung Quốc trong thời kỳ hai nước có quan hệ tốt đẹp để kỷ niệm việc khôi phục lại quan hệ song phương năm 1972. Những cây hoa anh đào này hiện vẫn đang sống ở công viên Bắc Kinh và thu hút hàng ngàn người đến xem mỗi mùa xuân về.
Không chỉ tranh cãi với Nhật Bản về cây hoa anh đào, Trung Quốc còn đôi co cả với Hàn Quốc về loài hoa đặc biệt này.
Ông He có thể nghĩ ít hơn về “chủ quyền” của Nhật Bản đối với cây hoa anh đào nhưng với một đối thủ khác là Hàn Quốc, vị quan chức Trung Quốc còn tỏ ra thẳng thừng hơn. Một số tờ báo ở Hàn Quốc từng đưa tin rằng Viện Nghiên cứu Rừng Hàn Quốc phát hiện cây hoa anh đào có xuất xứ từ đảo Jeju, ngoài khơi bờ biển phía nam của nước này.
Phản ứng trước thông tin trên, ông He tức giận nói, đó là thông tin “rác rưởi”. “Nói thẳng ra là, cây hoa anh đào có xuất xứ từ Trung Quốc và nở rộ ở Nhật Bản. Hàn Quốc chẳng có bất kỳ thứ gì liên quan đến loài hoa đó”, ông He đã nói như vậy.
Vụ tranh cãi liên quan đến cây hoa anh đào dường như chẳng có ý nghĩa gì nhưng nó phản ánh mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng hàng đầu khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á Trung Quốc và Nhật Bản đang căng như dây đàn trong mấy năm trở lại đây. Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Cuộc tranh chấp trên đang leo thang nguy hiểm từ dưới biển lên cả trên không. Máy bay và tàu thuyền của Trung Quốc và Nhật Bản thường xuyên có những cuộc đối đầu, vờn đuổi đầy nguy hiểm, khiến không ít lần cộng đồng thế giới thót tim vì lo ngại viễn cảnh bùng nổ xung đột vũ trang.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc cũng không mấy tốt đẹp khi Hàn Quốc là đồng minh thân thiết của Mỹ và là một trong những đối tác quan trọng của Mỹ trong chiến lược bao vây, kiềm chế Trung Quốc.
Được biết, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã chọn Nhật Bản và Hàn Quốc là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Châu Á đầu tiên của ông này trên cương vị mới.
Nguồn VnMedia