Liên doanh của Fosun Pharma tại Thượng Hải với BioNTech của Đức dự kiến ​​sẽ đạt công suất sản xuất hàng năm 1 tỉ liều vaccine COVID-19. Ảnh: Reuters.

 
Phùng Mỹ Thứ Sáu | 16/07/2021 12:17

Trung Quốc định tiêm thêm vaccine COVID-19 của BioNTech

Trung Quốc có kế hoạch sử dụng vaccine Comirnaty như một mũi tiêm nhắc lại ngừa COVID-19 cho những người đã tiêm vaccine sử dụng cơ chế bất hoạt.

Theo Nikkei Asian Review, các cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc đã hoàn thành cuộc đánh giá của ban chuyên gia về vaccine COVID-19 mRNA do Fosun Pharma và BioNTech của Đức đồng phát triển. Hiện loại vaccine này đang trong giai đoạn xem xét các thủ tục hành chính.

Chủ tịch Wu Yifang của Fosun cho biết, công ty dược phẩm có trụ sở tại Thượng Hải này đang bám sát kế hoạch bắt đầu sản xuất thử nghiệm trong nước vào cuối tháng 8.

Các nhà chức trách Trung Quốc có kế hoạch sử dụng vaccine có tên thương hiệu là Comirnaty, như một mũi tiêm nhắc lại cho những người đã tiêm vaccine virus bất hoạt. Dự kiến mũi tiêm tăng cường này là miễn phí.

Shanghai Fosun Pharma là đối tác của BioNTech để tiếp thị vaccine COVID-19 của công ty tại Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Ma Cao. Ảnh: Reuters.
Shanghai Fosun Pharma là đối tác của BioNTech để tiếp thị vaccine COVID-19 của công ty tại Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Ma Cao. Ảnh: Reuters.

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, Trung Quốc đã quản lý hơn 1,2 tỉ liều vaccine, tính đến ngày 1.7. Hầu hết mọi người đã tiêm vaccine virus bất hoạt do Sinovac và Tập đoàn Sinopharm thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc sản xuất. Rõ ràng, hiệu quả của loại vaccine này thấp hơn vaccine mRNA.

Các nhà nghiên cứu nhận xét mấu chốt nằm ở công nghệ. Vaccine của Sinovac dùng virus bất hoạt để kích thích hệ miễn dịch sinh ra kháng thể, nhưng kháng thể này đa dạng và không phải loại nào cũng vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 thành công.

Trong khi đó, vaccine bào chế theo công nghệ mới mRNA như Pfizer/BioNTech và Moderna thì mã hóa protein "gai" tương tự của virus dùng xâm nhập tế bào người, từ đó kích thích hệ miễn dịch sinh ra một lượng lớn kháng thể tấn công đúng protein đó. Đây có thể là lý do hiệu quả của nó cao hơn vaccine truyền thống.

Trong khi chờ thông quan theo quy định, Fosun Pharma và BioNTech đã bắt đầu chuẩn bị và mua thiết bị cho liên doanh có trụ sở tại Thượng Hải. Việc lắp đặt các dây chuyền sản xuất tại nhà máy Thượng Hải sẽ được hoàn thành vào tháng 8.

Hồi tháng 5, Fosun và BioNTech đã công bố kế hoạch thành lập cơ sở ở Thượng Hải để sản xuất vaccine mRNA Comirnaty của BioNTech, còn được gọi là BNT162b2. Liên doanh này là một phần của quan hệ đối tác rộng lớn hơn được hình thành vào đầu năm 2020 để đưa vaccine đến Trung Quốc.

Ông Wu Yifang Wu cho biết nhà máy ở Thượng Hải sẽ đạt công suất sản xuất hàng năm là 1 tỉ liều vaccine COVID-19. Với sự hỗ trợ của các cơ sở khác của Fosun, sản lượng hàng tháng có thể mở rộng lên 100 triệu đến 200 triệu liều.

Các thử nghiệm cho thấy loại vaccine này đạt hiệu quả thấp hơn vaccine mRNA. Hiệu quả vaccine của Trung Quốc dao động từ 50-80% trong các thử nghiệm và nghiên cứu thực tế, thấp hơn đáng kể so với vaccine mRNA do Moderna và Pfizer/BioNTech phát triển.

Điều này đã làm dấy lên lo ngại rằng, chúng có thể không hiệu quả trong việc ngăn chặn các biến chủng virus mới.

Fosun và chính phủ Trung Quốc cũng đang tiến hành nghiên cứu phối trộn vaccine. Các dữ liệu hiện có cho thấy kết quả thuận lợi, ông Wu nói.

Nhà virus học phân tử Jin Dongyan tại Đại học Hồng Kông cho biết: vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna có thể cung cấp mức độ bảo vệ cao, mặc dù giảm hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm:

Tại sao người Pháp "rầm rộ" đi tiêm vaccine?