Ảnh: Bloomberg

 
Vũ Hạo Thứ Năm | 20/02/2020 08:59

Trung Quốc định thâu tóm HNA Group khi tập đoàn này có nguy cơ vỡ nợ

Trung Quốc lên kế hoạch thâu tóm tập đoàn đa ngành HNA Group vốn đang chìm trong nợ nần và bán tháo các tài sản của hãng hàng không này.

Đây là động thái kịch tính nhất cho tới nay của Trung Quốc để kiểm soát thiệt hại kinh tế ngày càng nặng nề từ virus corona.

Chính quyền Hải Nam, nơi đặt trụ sở của HNA Group, đang đàm phán để giành quyền kiểm soát tập đoàn này sau khi sự lây nhiễm virus corona gây khó đễ đến khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính, dựa vào nguồn tin thân cận.

Nhà điều hành hãng hàng không từng ít được ai biết tới bỗng dưng trở nên nổi tiếng trong giai đoạn năm 2016-2017 sau khi thực hiện hàng loạt vụ thâu tóm bằng vay nợ và họ trở thành cổ đông hàng đầu của các công ty mang tính biểu tượng như Hilton Worldwide Holdings và Deutsche Bank AG. Trong khi đó, HNA phải hàng đống tiền cho các tài sản từ Manhattan tới Hồng Kông.

Trung Quốc ngày càng căng thẳng hơn từ việc chặn đứng cửa khẩu để kiềm chế sự lây lan của virus corona. Cho tới nay, dịch bệnh này đã giết chết hơn 2.000 người. Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tìm cách ngăn chặn “nỗi đau” kinh tế ngắn hạn biến thành một cuộc suy thoái, chính quyền của ông đang xem xét đến phương án bơm tiền trực tiếp hoặc sáp nhập để ổn định ngành hàng không – vốn đang trượt vào giai đoạn rối loạn. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết sẽ tìm cách hỗ trợ cho tiêu dùng trong nước. Việc Chính phủ tiếp quản một công ty cao cấp như HNA Group sẽ đẩy những nỗ lực cứu vớt nền kinh tế lên một tầm cao mới.

Dựa trên nguồn thông tin thân cận, một thông báo có thể được đưa ra ngay trong ngày thứ Năm (20/02), mặc dù các cuộc đàm phán có thể kéo dài hoặc sụp đổ. Theo kế hoạch này, Trung Quốc sẽ bán phần lớn tài sản của hãng hàng không HNA Group, cho ba hãng hàng không lớn nhất tại nước này - Air China Ltd., China Southern Airlines Co. và China Eastern Airlines Corp. Nguồn tin này cho biết các cuộc thảo luận với các hãng hàng không đang tiếp tục.

Sau khi chi mạnh 40 tỷ USD để thâu tóm các công ty, HNA Group đã trở thành một trong những công ty có nợ cao nhất ở Trung Quốc. Trong năm qua, tập đoàn này đã quay trở lại hoạt động cốt lõi ban đầu là ngành hàng không, đỉnh điểm là thông báo vào tháng 11/2019 để phân chia các mảng hoạt động thành các hãng hàng không, cho thuê máy bay và sân bay, phần còn lại được đặt trong đơn vị quản lý “tài sản phi hàng không”. Thế nhưng, việc tập trung trở lại vào ngành hàng không và du lịch đã gây phản tác dụng khi virus corona dẫn đến sự sụt giảm chưa từng thấy về số chuyến bay trong và ngoài Trung Quốc.

“Ngay cả theo các tiêu chuẩn của Trung Quốc, HNA là một tập đoàn mắc cả đống nợ. Và sự sụp đổ của cả ngành hàng không Trung Quốc vì sự bùng phát của dịch Covid-19 rõ ràng đã đẩy tập đoàn này đến tình cảnh phá sản thực sự”, các nhà phân tích của Agency Partners viết trong một báo cáo sau thông tin từ Bloomberg.

Ngày càng ít người đi du lịch. Nguồn: Bloomberg
Ngày càng ít người đi du lịch. Nguồn: Bloomberg

HNA Group trong nhiều năm đã phải vật lộn với các khoản nợ đã từng lên đến gần 600 tỷ nhân dân tệ (tương đương 86 tỷ USD) cũng như chi phí thanh toán lãi vay tăng vọt. Dù rằng tổng nợ của HNA giảm xuống còn 525,6 tỷ nhân dân tệ vào giữa năm 2019, nhưng lượng tiền mặt của Tập đoàn này còn giảm nhanh hơn nhiều, xuống còn 50,4 tỷ nhân dân tệ, thấp nhất dựa trên số liệu từ năm 2015.

Tiền mặt cạn dần. Nguồn: Bloomberg
Tiền mặt cạn dần. Nguồn: Bloomberg

Thậm chí, Chủ tịch Chen Feng khép lại năm 2019 bằng việc đưa ra dự đoán: Năm 2020 sẽ là một năm quyết định để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại các thách thức thanh khoản dài hạn của tập đoàn.

Trong nỗ lực ổn định tình hình tài chính, HNA Group đã tìm cách bán tài sản bao gồm cả công ty cho thuê máy bay Avolon Holdings Ltd., trị giá khoảng 8,5 tỷ USD, cũng như công ty bảo trì máy bay Thụy Sĩ SR Technics và công ty kinh doanh cho thuê container Seaco, dựa trên nguồn tin thân cận.

Theo báo cáo của Bloomberg Economics, nền kinh tế Trung Quốc có khả năng chỉ hoạt động 40-50% công suất trong tuần trước, sau khi đóng cửa các cửa hàng, tạm dừng hoạt động của các nhà máy và châm ngòi cho sự điêu đứng cửa cả ngành hàng không trong một nỗ lực kìm hãm sự lây lan của virus corona. Các công ty đã khuyến khích mọi người ở nhà, trung tâm mua sắm và nhà hàng trống rỗng, và các công viên giải trí và nhà hát đều đóng cửa.

Tác động của virus corona đến hoạt động kinh doanh đã lan rộng khắp thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng của các đại gia sản xuất ô tô lớn nhất thế giới và làm giảm doanh số tại các công ty từ Apple đến Burberry Group Plc và Nike Inc. Trong tuần này, Apple cho biết họ không thể đạt mục tiêu doanh thu trong quý này, gia nhập danh sách ngày càng dài các tập đoàn toàn cầu lên tiếng cảnh báo về tác động tài chính hoặc dẹp bỏ hoàn toàn dự báo.