Trang Lê Thứ Năm | 26/07/2018 14:41

Trung Quốc "đậu nành" công chiến Mỹ

Trung Quốc ngưng thu mua đậu nành của Mỹ, giao dịch này trị giá 12,3 tỷ USD trên tổng số 21,5 tỷ USD đậu nành xuất khẩu năm 2017 của Mỹ.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Hậu quả như Đại suy thoái kinh tế

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Vừa đánh, vừa nhìn


Giá nông sản đã biến động mạnh hơn trong những tuần gần đây, khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục phủ bóng lên thị trường. Những nông sản Mỹ khác trở thành nạn nhân của mâu thuẫn thương mại còn có ngô, thịt lợn và cao lương. Tuy nhiên, đậu tương là nông sản lớn thứ nhì của Mỹ và giá mặt hàng này phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, vì Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới.

Trung Quốc đang đánh vào "huyệt" của Mỹ?

Các chuyên gia tin rằng có những yếu tố chính trị khiến Bắc Kinh sử dụng đậu nành làm “vũ khí” chống lại Mỹ trong cuộc chiến thương mại này.

Trung Quốc mua khoảng nửa số đậu nành của Mỹ, 12,3 tỷ USD trên tổng số 21,5 tỷ USD đậu nành xuất khẩu năm 2017 (Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ) và cứ 3 luống trồng đậu nành trên đất Mỹ thì có 1 luống được trồng cho người Trung Quốc.

Các bang sản xuất đậu nành hàng đầu của Mỹ bao gồm Illinois, Iowa, Minnesota, Nebraska, North Dakota, South Dakota, Indiana, Missouri và Ohio.

Điều đáng nói là ông Trump đã giành chiến thắng ở tất cả các bang trên, trừ Illinois và Minnesota, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.

Để củng cố lại những khu vực bầu cử quan trọng này, ngày 24.7, Nhà Trắng công bố chương trình trợ cấp 12 tỷ USD cho các nông chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Kansas ngày 24.7, Tổng thống Donald Trump tái khẳng định sự ủng hộ của ông đối với các biện pháp áp thuế và vẫn cam kết rằng “nông dân sẽ là những người được hưởng lợi lớn nhất”.

Trung Quoc
Nhà Trắng công bố chương trình trợ cấp 12 tỷ USD cho các nông chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ảnh: The Pantagraph

“Chỉ cần kiên nhẫn một chút”, ông Trump động viên. Cuối tuần này, ông Trump sẽ cũng thăm Iowa và Illinois, 2 bang có nhiều nông trại lớn khác, để vận động ủng hộ cho các ứng viên đảng Cộng hòa ở miền Trung Tây nước Mỹ.

Tuy nhiên, biện pháp này lại khiến phe Cộng hòa chia rẽ, giữa một bên là những người ủng hộ kế sách này, và bên kia là những người cảm thấy không hài lòng vì đảng Cộng hòa vốn có truyền thống phản đối những chương trình hỗ trợ diện rộng như thế này từ chính phủ.

Một đảng Cộng hòa chia rẽ và một biện pháp ngắn hạn sẽ khó có thể thuyết phục nông dân Mỹ tiếp tục bỏ phiếu cho những đồng minh của ông Trump trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11 tới.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nỗ lực thúc đẩy việc bán đậu nành sang Liên minh châu Âu (EU). Sau cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 25.7, Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết, 2 bên đã đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán thương mại sâu rộng về việc mua đậu nành và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và giảm các rào cản đối với thương mại dịch vụ, hoá chất, dược phẩm và các sản phẩm y tế xuyên Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, việc tìm thị trường mới cho một nửa số đậu nành xuất khẩu của Mỹ không phải là chuyện dễ dàng đạt được trong “một sớm một chiều”.

“Không ai sẽ giành phần thắng trong cuộc chiến thương mại này”, Bret Davis, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội đậu nành Mỹ nhận định. “Chúng tôi chỉ mong là thay vì bị đánh một lượt thuế nữa, chúng ta có thể đi đến một thỏa thuận tốt hơn cho cả 2 phía”.

Trung Quoc
 

Nông dân Mỹ như “ngồi trên đống lửa”

Hiện nay, nông dân tại 10 bang nông nghiệp chủ đạo của Mỹ như "ngồi trên đống lửa" khi nhiều mặt hàng nông sản của họ rớt giá do bị các quốc gia đánh thuế trả đũa.

Các đòn áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico… đang rơi vào tình cảnh "gậy ông đập lưng ông" khi người gánh "đòn" trực tiếp không ai khác chính là nông dân Mỹ bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump.

Nông dân Mỹ đang rơi vào tình thế khó khăn, khi Tổng thống của họ đang căng thẳng với đối tác lớn nhất - Trung Quốc.

Theo thống kê, 1/3 sản lượng đậu nành Mỹ với giá trị khoảng 14 tỷ USD được xuất khẩu sang Trung Quốc hàng năm. Vì vậy, những người trồng đậu nành tại Mỹ cảm thấy lo sợ trước viễn cảnh bị Trung Quốc áp thêm thuế.

Với hoa quả, có lẽ cherry là sản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bởi hiện Trung Quốc là khách hàng lớn nhất đối với sản phẩm này của Mỹ, với giá trị nhập khẩu cherry lên tới 130 triệu USD trong năm 2017.

Trong khi đó, hơn 50% sản lượng táo xuất khẩu của các vùng Oregon, Washington và Idaho là đối tượng chịu thuế trả đũa từ Trung Quốc.

Còn các mặt hàng đại diện cho một dòng thương mại khổng lồ khác từ Mỹ, như: bông, cỏ linh lăng, miến mía xuất khẩu sang Trung Quốc cũng chịu chung số phận bị áp thuế nhập khẩu.

Nguồn Nikkei