Thứ Hai | 20/05/2013 11:40

Trung Quốc đau đầu với kho dự trữ ngoại hối khổng lồ

Dự trữ ngoại hối lớn làm thanh khoản trên thị trường dư thừa và gây sức ép tỷ giá đối với Trung Quốc.
Trong khi nhiều chính phủ phương Tây lo ngại vấn đề thâm hụt thương mại thì Trung Quốc lại có nỗi lo hoàn toàn ngược lại: thặng dư thương mại lớn khiến dự trữ ngoại hối ngày càng tăng.
Nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh, Trung Quốc hiện là nước có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới.

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc không ngừng tăng.Quý I vừa qua, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng 131 tỷ USD lên kỷ lục 3,44 nghìn tỷ USD, tương đương quy mô của cả nền kinh tế Đức.

Về cơ cấu dự trữ, tờ China Securities Journal cách đây vài tháng cho biết, 65% dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là USD, 26% là euro, 5% là bảng Anh và 3% là yên Nhật. Trung Quốc là chủ nợ lớn thứ 2 của Mỹ chỉ sau Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Ngoài ra, Trung Quốc cũng nắm giữ một lượng lớn nợ của các chính phủ châu Âu.

Theo bài học từ khủng hoảng tài chính châu Á, tăng dự trữ ngoại hối là một cách nhằm bảo vệ nội tệ bởi một ngân hàng trung ương có thể bán dự trữ ngoại hối để ổn định giá trị nội tệ.

Trong khi thế giới cho rằng, thặng dư thương mại lớn là tin tốt với Trung Quốc thì Trung Quốc lại cho rằng đó cũng là vấn đề đáng lo ngại do dự trữ ngoại hối lớn cũng ảnh hưởng đến tỷ giá. Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên từng thừa nhận quy mô dự trữ ngoại hối của nước này đã vượt quá nhu cầu hợp lý của nền kinh tế. Theo ông, dự trữ ngoại hối lớn làm thanh khoản trên thị trường dư thừa và gây sức ép đối với công tác điều hành của Ngân hàng trung ương.

Dự trữ ngoại hối tăng
Dự trữ ngoại hối tăng khiến thanh khoản trên thị trường dư thừa, gây sức ép tỷ giá.

Lo ngại của Trung Quốc không phải chỉ là USD hay euro sẽ giảm, mà đó còn là dự trữ ngoại hối sẽ khiến nền kinh tế tồn tại một lượng tiền lớn khiến giá cả tăng, trong đó có bất động sản.

Thêm vào đó, khi triển vọng thị trường bất động sản được cải thiện, nhà đầu tư có xu hướng đổ tiền vào Trung Quốc gây ra hiện tượng “dòng tiền nóng”, khiến nhân dân tệ tăng vọt ảnh hưởng đến kinh tế nước này. Phó chủ tịch viện nghiên cứu khoa học tài chính thuộc Bộ tài chính Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục đón dòng vốn đầu cơ lớn trong vài năm tới khiến giá tài sản và giá tiêu dùng tăng cao. Nhân dân tệ hiện ở mức cao nhất 19 năm so với USD, giao dịch ở 6,1401 nhân dân tệ/USD lúc 10h36’ sáng nay theo giờ Thượng Hải.

Để ngăn dòng tiền này gây vấn đề lạm phát, ngân hàng trung ương sẽ tìm cách hút tiền từ nền kinh tế. Một trong những biện pháp đó là ngân hàng trung ương sẽ trả lãi suất trên các khoản tiền gửi của ngân hàng thương mại tại ngân hàng trung ương, khuyến khích họ cất giữ tiền thay vì bơm quá nhiều cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nghịch lý là, các ngân hàng thương mại lại muốn thu lợi nhuận cao hơn việc cất giữ tiền ở ngân hàng trung ương.

Do vậy, để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do dự trữ ngoại hối lớn, Trung Quốc cũng tăng cường chính sách đầu tư ra bên ngoài kể từ năm 2000. Trung Quốc thành lập nhiều công ty đa quốc gia để tăng nâng suất và nâng cao công nghệ - chìa khóa giúp tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo thống kê của IMF, năm 2011, tổng đầu tư của Trung Quốc vào châu Á đạt hơn 303 tỷ USD, vào Mỹ Latinh là hơn 55 tỷ USD, vào châu Âu là 24,5 tỷ USD, Bắc Mỹ 13,5 tỷ USD.

Nguồn Bloomberg, CNBC/Dân Việt


Sự kiện