Chủ Nhật | 07/02/2016 10:04

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% đến 7% trong năm 2016

Mặc dù áp lực suy giảm kinh tế vẫn còn hiệu hữu trong quý I/2016, nhưng Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng là 6,5% đến 7% trong năm 2016.

Lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, Trung Quốc thiết lập mục tiêu tăng trưởng GDP theo biên độ dao động, thay vì một mức cố định như trước đây. Theo đó, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay đạt 6,5% đến 7%, thấp hơn mục tiêu 7% vào năm ngoái.

Các mục tiêu mới này được đưa ra trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng vừa rơi xuống 6,9%, mức thấp nhất trong suốt 25 năm qua, và có thể xuống còn 6,5% trong năm nay dựa theo khảo sát của Bloomberg. Đồng Nhân dân tệ cũng đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, và thị trường chứng khoán Trung Quốc đã hai lần chạm đáy trong vòng chưa đầy một năm.

Vào tháng 11-2015 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói tốc độ tăng trưởng GDP của nước này cần đạt mức trung bình ít nhất 6,5% mỗi năm trong vòng 5 năm tới để tăng gấp đôi tổng GDP cũng như GDP bình quân đầu người trong giai đoạn 2010-2020.

Thống kê của Bloomberg cho biết trong năm 2015, lượng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc đã tăng lên mức 1 nghìn tỷ USD. Dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sụt giảm 513 tỷ USD, ghi nhận mức sụt giảm đầu tiên của kho dự trữ ngoại hối kể từ năm 1992. Mặc dù vậy, đang có tin nội bộ rằng trong năm 2016, PBOC có kế hoạch nới lỏng các quy định cho phép các nhà  đầu tư nước ngoài chuyển dịch dòng vốn dễ dàng hơn. 

Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia của Trung Quốc (NDRC) là ông Xu Shaoshi cho biết mặc dù tăng trưởng kinh tế trong quý I vẫn đang chịu áp lực suy giảm khá lớn, nhưng nước này vẫn có thể đạt được mục tiêu 6,5-7%. Ngoài ra Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch để từng bước hạn chế tình trạng dư thừa công suất và giảm bớt các công ty xác sống ("zombie") không còn khả năng sinh lợi.

Một chuyên gia tư vấn cao cấp của một công ty quốc doanh cho biết việc Trung Quốc lên kế hoạch cắt giảm tình trạng dư thừa công suất trong ngành sản xuất thép có thể sẽ khiến cho 400.000 lao động mất việc làm, Điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến ổn định xã hội trong thời gian tới. Ông Xu Shaoshi thì tự tin khẳng định rằng chính phủ có thể giải quyết được vấn đề này.

Ông Wang Zeying, hiện là Phó giám đốc Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội (SSRI), cho rằng Trung Quốc nên tránh việc sa thải hàng loạt các lao động. Thay vào đó, chỉnh phủ nên xóa bỏ các công ty xác sống thông qua hình thức mua bán, sáp nhập và tái cơ cấu thay vì để cho chúng phá sản. 

Đinh Hạnh

Nguồn Bloomberg