Trung Quốc đang tìm cách xua khéo Mỹ khỏi Biển Đông?
Lợi lớn vẫn không che hết được mọi bất đồng
Phát biểu trong chuyến công du tới Mỹ hồi cuối tuần qua, Tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã gợi mở rằng: “Vấn đề Biển Đông chỉ là vấn đề rất nhỏ trong mối quan hệ Mỹ- Trung và cả hai bên cần phải tập trung vào những vấn đề quan trọng hơn trong khu vực và trên thế giới”.
Theo các chuyên gia, thông điệp mà ông Phạm muốn gửi gắm đến Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và giới chức Mỹ bao gồm 2 vế khá rõ ràng:
Một là, Mỹ cần phải cân nhắc xem liệu có nên để căng thẳng trong quan hệ Mỹ- Trung gây ảnh hưởng đến lợi ích to lớn mà mối quan hệ này mang lại.
Hai là, Mỹ hoàn toàn có thể “tạm lờ” đi vấn đề Biển Đông bởi Mỹ đang phải “bao đồng” nhiều chuyện khác cũng “đau đầu” không kém như cuộc khủng hoảng Ukraine, vấn đề hạt nhân Triều Tiên và hòa bình Trung Đông.
Như vậy, ông Phạm đã chuyển tải thông điệp “răn đe ngầm” của Trung Quốc đến Mỹ trong lớp vỏ của “hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực kinh tế và quốc phòng”.
Với chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” này, giới chức Trung Quốc tự tin cho rằng, Mỹ dù muốn hay không cũng sẽ phải xuống thang bởi với tư cách là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới và cũng là đối tác thương mại hàng đầu của nhau, sự “va chạm” Mỹ- Trung dù là rất nhỏ cũng “gây ra những thảm họa khôn lường”, như lời Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố năm 2014.
Tuy nhiên, đáp lại Trung Quốc lại là những lời răn đe mạnh mẽ hơn từ phía Mỹ và các đồng minh. Điều này cho thấy Biển Đông là xương sống, là yếu tố then chốt trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ và dù có vấp phải khó khăn đến đâu, giới chức Mỹ cũng không để Trung Quốc “làm mưa làm gió” trên Biển Đông.
Ngay trong buổi tiếp ông Phạm Trường Long, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã ngay lập tức có những tuyên bố phủ đầu, bất chấp những quy tắc về ngoại giao.
Ông Carter đã kêu gọi Trung Quốc ngừng ngay việc cải tạo các bãi đá trên Biển Đông cũng như việc quân sự hóa các tranh chấp trong khu vực. Ông Carter cũng kêu gọi Trung Quốc và các bên liên quan theo đuổi một giải pháp hòa bình theo khuôn khổ của luật pháp quốc tế cho các tranh chấp trên Biển Đông.
Như vậy, thông điệp mà ông Carter gửi đến Trung Quốc cũng rất rõ ràng, Mỹ coi trọng lợi ích khi hợp tác với Trung Quốc nhưng không thể để mặc Trung Quốc thực thi những hành vi phi pháp ở Biển Đông làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ và các đồng minh trong khu vực.
Philippines, Malaysia cũng “khó chịu ra mặt” với Trung Quốc
Thái độ của Mỹ đã được Philippines tiếp nhận một cách tích cực và trong những ngày qua, Philippines liên tục có gia tăng lời lẽ chỉ trích Trung Quốc cũng như vạch ra những sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ở trong nước, Philippines chiếu phim tài liệu về chủ quyền biển đảo của nước này nhằm tăng cường hiểu biết và sự ủng hộ của người dân đối phó với tham vọng của Trung Quốc.
Còn trên trường quốc tế, đại diện của Philippines tại Liên Hợp Quốc, bà Lourdes Yparraguirre cũng không ngần ngại tố cáo các hoạt động cải tạo bãi đá phi pháp của Trung Quốc không chỉ vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà còn vi phạm Tuyên bố ASEAN- Trung Quốc về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông, Công ước về Đa dạng sinh học, và Công ước quốc tế về buôn bán các loại động vật, thực vật nguy cấp (CITES).
Nguy hiểm hơn, theo bà Yparraguirre, hành động nạo hút cát, bồi đắp các bãi đá ở Biển Đông còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hệ sinh thái trong khu vực và gây ra hệ lụy không thể đo đếm hết được.
Ngoài ra, bà Yparraguirre cũng khẳng định, Trung Quốc dùng ưu thế về sức mạnh quân sự của mình để o ép các nước khác nhằm tạo sự đã rồi ở Biển Đông và từng bước hợp thức hóa yêu sách đường 9 đoạn phi lý của mình.
Tuy nhiên, nếu như việc Philippines lên án Trung Quốc là điều dễ hiểu thì sự chỉ trích của Malaysia lại khiến Trung Quốc phải giật mình.
Malaysia lâu nay vốn thường duy trì một phương pháp tiếp cận “ẩn mình”, không quyết liệt và mạnh mẽ như các nước khác trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Hơn thế nữa Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia và Malaysia là đối tác thương mại lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á của Trung Quốc. Kim ngạch thương mại song phương hàng năm giữa hai nước đã vượt mốc 100 tỉ USD và dự kiến đạt 160 tỉ USD vào năm 2018.
Việc lên án mạnh mẽ Trung Quốc được cho là chẳng đem lại gì cho Malaysia trong khi có thể đe dọa trực tiếp đến nền kinh tế vốn phụ thuộc chủ yếu vào đối tác này.
Tuy nhiên, những động thái leo thang căng thẳng kéo dài của Trung Quốc từ năm 2013 đến nay trên Biển Đông, nhất là tại các khu vực mà Malaysia có chủ quyền hợp pháp như bãi cạn James, khiến nước này không thể nín nhịn mãi.
Hơn thế nữa, Malaysia đã cảm nhận được sự ủng hộ từ phía Mỹ. Điều này khiến Malaysia dù vẫn thận trọng nhưng “đã dám lên tiếng mạnh mẽ hơn”.
Như vậy, những lợi ích lớn trong mối quan hệ thương mại của nhiều nước trong khu vực và cả Mỹ với Trung Quốc cũng không thể che mờ một thực tế rằng những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông là rất đáng lo ngại, buộc các nước phải có những hành động đáp trả thích đáng.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng tuyên bố: “quyết tâm bảo vệ lợi ích của đất nước là cứng rắn hơn đá”. Đây có lẽ cũng là phương châm hành động của các nước khác nhằm đối phó với tham vọng của Trung Quốc.
Nguồn VOV