Mỹ mua hàng Trung Quốc nhiều hơn nên Mỹ có nhiều lựa chọn để áp thuế quan hơn. Ảnh: WSJ

 
Bá Ước Thứ Ba | 14/08/2018 09:09

Trung Quốc đang thua trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?

Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn khi ông Trump liên tục thực hiện nhiều đợt áp thuế quan.

Hôm 5/8, khi ông Trump viết trên Twitter là việc áp thuế quan (lên hàng hóa Trung Quốc) đang rất thành công, các phương tiện truyền thông Mỹ đã nhảy vào xác thực tuyên bố này. Ở Trung Quốc, các biên tập viên tỏ ra thận trọng hơn. Không một tờ báo tiếng Hoa lớn nào đăng tải lại đoạn tweet của ông Trump.

Một trong những khẳng định của ông Trump, rằng chứng khoán Trung Quốc mất 27% trong vòng bốn tháng qua, là nói quá sự thật. Nhưng tại sao các cơ quan tuyên truyền Trung Quốc không vạch trần việc này. Sự thật là chứng khoán Trung Quốc có một đợt rớt giá mạnh và các quan chức không muốn nhắc đến việc này.

Đây chỉ một trong chuỗi các sự thật khó chịu mà Trung Quốc đang gặp phải khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang hơn. Tính từ tháng 4, đồng Nhân dân tệ đã mất giá 8% so với đồng USD, gần chạm mức thấp nhất trong hơn một năm trở lại đây. Thặng dư thương mại bị sụt giảm tạo ra tình trạng thâm hụt cán cân vãng lai trong nửa đầu năm 2018, lần đầu tiên trong vòng hai thập niên qua.

Nhìn rộng hơn, tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại trong khi nền kinh tế Mỹ đang mở rộng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2014 đến nay. Không khó để thấy tại sao Tổng thống Trump lại cảm thấy mình đang đi đúng hướng và các nhà đầu tư Trung Quốc đang hốt hoảng.

 Trung Quoc dang thua trong cuoc chien thuong mai voi My?
Diễn biến chứng khoán Mỹ (màu xanh nhạt) và chứng khoán Trung Quốc (màu xanh đậm) sau khi việc áp dụng thuế quan được đưa ra.

Bên cạnh đó, “Hiệu ứng roi da” còn làm mọi thứ tồi tệ hơn cho Trung Quốc. Cho đến gần đây, các quan chức và giám đốc điều hành vẫn tin vào sức mạnh công nghệ của nước mình. Về mặt cá nhân, các nhà tư vấn vẫn tự tin rằng có thể xoa dịu ông Trump bằng các lời hứa tăng nhập khẩu từ Mỹ. Cả hai quan điểm này đều có thiếu sót.

Thỏa thuận mua thêm khí đốt thiên nhiên và đậu nành từ Mỹ đã đổ vỡ hồi tháng Sáu. Các quan chức Trung Quốc cũng nhận thức rất rõ về các nhược điểm của nước này, nếu Mỹ vẫn tiếp tục giữ các lệnh trừng phạt cấm ZTE bán các chất bán dẫn, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này rất có thể sẽ phá sản. Những người có lối nghĩ theo trường phái “thuyết âm mưu” lại nhìn mọi việc đen tối hơn, một nhà quản lý quỹ của Trung Quốc đã nói: “Người Mỹ không muốn thỏa thuận. Họ muốn hủy hoại chúng tôi”.

Không còn hàng để áp thuế quan

Sự bất đối xứng trong cuộc chiến thương mại này cũng là một sự thật không dễ chịu. Mỹ mua hàng Trung Quốc nhiều hơn là Trung Quốc mua của Mỹ, do đó Mỹ có nhiều lựa chọn để áp thuế quan hơn. Sự mất cân bằng này vốn đã được bàn thảo nhiều về mặt lý thuyết nay đang dần trở thành thực tế.

Ông Trump đã ra lệnh cho đội ngũ thương mại của mình cân nhắc áp thuế quan 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sớm nhất là vào tháng 9, nâng tổng mức bị áp thuế quan lên đến 250 tỷ USD, và số hàng hóa Trung Quốc có thể bị áp thuế quan còn có thể lên đến gấp đôi con số 250 tỷ USD này.

Trung Quốc cũng đã dọa trả đũa, và đã tuyên bố hôm 03/8 là sẽ áp thuế quan lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhập khẩu. Vậy là tổng cộng là sẽ có khoảng 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ bị áp thuế quan, nhưng đây gần như đã là cực hạn, không còn thêm hàng hóa nào của Mỹ để Trung Quốc có thể áp thuế quan nữa.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng còn những vũ khí khác. Trung Quốc có thể dừng hoạt động của các doanh nghiệp giàu lợi nhuận của Mỹ trên đất Trung Quốc, từ Apple cho đến Starbucks. Nhưng cách này cũng có nhược điểm. Đưa ra các lý do không có thật (ví dụ như vi phạm các nguyên tắc về an toàn) sẽ củng cố thêm các chỉ trích của nước ngoài về việc chính phủ can thiệp vào nền kinh tế. Và về mặt bản chất, các sự can thiệp này sẽ không thể được tuyên bố từ trước như là áp thuế quan, vì vậy sẽ tốn thời gian hơn để có thể gây ra tác động.

Khó khăn chồng chất

Thời điểm xảy ra cuộc chiến thương mại cũng rất bất lợi cho Trung Quốc. Hai năm qua, chính phủ Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch để kiềm chế mức vay nợ. Cuối cùng, chiến dịch này cũng đã có tác dụng, tăng trưởng tín dụng đã chậm đi đáng kể. Các quan chức có thể lựa chọn từ bỏ lập trường thắt chặt để chống lại cuộc khủng hoảng thương mại. Nhưng điều này có thể xóa sạch mọi lợi ích đã thu được từ quá trình tháo gỡ đòn bẩy tài chính.

Điều này giải thích sự kiềm chế của Trung Quốc trong thời gian qua. Trong một cuộc họp của Bộ Chính trị hôm 31/7, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lưu ý rằng cần ưu tiên cho việc hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh môi trường bên ngoài đang có “sự thay đổi rõ ràng”, nhưng cũng cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực kiểm soát nợ. Các nhà đầu tư đang trông chờ một sự nới lỏng hơn đã bị thất vọng.

Do đó có lý do để lo lắng về viễn cảnh phát triển của Trung Quốc. Nhưng thị trường có thể sẽ bi quan quá mức. Có một kết luận từ các sự việc diễn ra trong vài tuần qua, đó là các nhà hoạch định chính sách đã chấp nhận là một cuộc chiến thương mại là có thật, và họ đang tìm cách giảm nhẹ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

 Trung Quoc dang thua trong cuoc chien thuong mai voi My?
Trung Quốc đang có mức thặng dư thương mại sụt giảm mạnh.

Sự thúc đẩy xuất khẩu có được từ việc hạ giá đồng Nhân dân tệ, vốn từ giữa tháng 6 đến nay đã giảm khoảng 6% tính theo tỷ trọng thương mại, sẽ tương đối cân đối được ảnh hưởng của đợt thuế quan đầu tiên lên 50 tỷ USD hàng hóa và một phần của đợt thứ hai lên 200 tỷ USD hàng hóa, theo tính toán của Andrew Tilton, Trưởng phòng Kinh tế châu Á của Ngân hàng Goldman Sachs.

Ông này cũng cho biết thêm Trung Quốc đang chuyển sang một chính sách tài chính chủ động hơn. Các quan chức đã tạo điều kiện cho các thành phố dễ dàng nhận vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng hơn. Một cố vấn chính phủ cho biết đang có thảo luận về một gói kích thích tài chính lớn hơn, rất có thể sẽ tập trung vào việc cổ vũ tiêu dùng thay vì đầu tư.

Bối cảnh kinh tế của cuộc chiến thương mại cũng có thể sẽ thay đổi vào năm tới. Trong khi Trung Quốc đang dần đi về phía nới lỏng chính sách, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ phục hồi. Bên cạnh đó, Mỹ có thể đã ở đỉnh của chu kỳ tăng trưởng, lợi nhuận thu được từ việc cắt giảm thuế của năm ngoái đang dần biến mất.

Ông Louis Kuijs, Trưởng phòng kinh tế châu Á của Công ty Nghiên cứu Oxford Economics, cho biết sự khác biệt trong thị trường chứng khoán của hai nước cho thấy sự quá tự tin ở Mỹ và mất tự tin ở Trung Quốc. Ông cho biết: “Cả hai phản ứng này đều quá đà”. Với việc hiện chưa có biện pháp giải quyết cuộc chiến thương mại này, vẫn còn thời gian để kiểm chứng phát biểu của ông Kujis.

Nguồn Economist