Trung Quốc đang kéo "các ngôi sao kinh tế" của châu Á đi xuống
Giờ đây, cũng chính kinh tế Trung Quốc giảm tốc đang kéo theo các nền kinh tế khu vực, bộc lộ những yếu kém của các nền kinh tế khác từ nhu cầu vay vốn của Indonesia đến mức nợ hộ gia đình kỷ lục tại Hàn Quốc cũng như tình trạng quan liêu và tham nhũng đang cản trở thành rào cản đối với các dự án cơ sở hạ tầng ở Philippines.
Xuất khẩu của 9 trong tổng số 12 nền kinh tế chủ chốt tại châu Á đang giảm chủ yếu do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc - chỉ tăng trưởng 6,8% trong quý II/2015, thấp hơn so với mục tiêu 7% của chính phủ nước này.
Tình hình có chiều hướng xấu đi, khác với đợt suy thoái toàn cầu 2008-2009, thời điểm châu Á có thể mạnh tay tung ra các gói kích thích tăng trưởng, lần này khu vực đang ngập trong nợ nần. Và tại một số nền kinh tế, lãi suất đang ở mức thấp kỷ lục. Tuy giá dầu giảm đang giúp ngân sách hưởng lợi, song tác động lên chi tiêu đến nay vẫn không đáng kể.
Kinh tế giảm tốc làm suy yếu khả năng chống chọi của châu Á trước những mối đe dạo từ bất ổn tài chính - kể cả nguy cơ Hy Lạp ra khỏi eurozone, Fed nâng lãi suất và chứng khoán Trung Quốc lao dốc trong những tuần qua. Chi phí đi vay của Mỹ cao hơn có thể khiến dòng vốn tháo chạy khỏi châu Á, khiến thách thức nợ trở nên trầm trọng hơn.
Câu chuyện tương tự đang diễn ra khắp châu Á. Xuất khẩu của Hàn Quốc - chiếm đến ½ GDP - liên tục sụt giảm, chủ yếu do nhu cầu tại thị trường lớn nhất của nước này, Trung Quốc, sụt giảm.
Xuất khẩu của Philippine trong tháng 5/2105 giảm 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái ngoái, giảm mạnh hơn so với dự đoán giảm 10% của các nhà kinh tế học. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này trong năm 2015 xuống 6,2% và 2016 xuống 6,5% từ tương tứng 6,7% và 6,3%.
Các nhà phân tích tại JPMorgan Chase ước tính, tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế mới nổi tại châu Á, trừ Trung Quốc và Ấn Độ, có thể chỉ tăng 1,3% trong quý II/2015 so với quý I, thấp nhất kể từ cuối năm 2011.
Tình hình còn có thể xấu hơn. Tại Singapore - với sự phụ thuộc vào thương mại và luồng vốn - các quan chức tài chính tỏ ra bi quan nhất trong khu vực Đông Nam Á khi nói về lợi nhuận, theo kết quả khảo sát của Bank of America Merrill Lynch.
Indonesia và Malaysia là 2 trong số các nền kinh tế dễ tổn thương nhất khi FED nâng lãi suất và sự tháo chạy của luồng vốn khi khoản vay ngoại tệ của 2 nước này thậm chí vẫn tăng bất chấp đồng nội tệ giảm giá. Rupiah Indonesia đã giảm 7% trong năm nay so với USD và ringgit Malaysia giảm 8%.
Tuy vậy, kinh tế châu Á vẫn có một vài điểm sáng là Việt Nam và Ấn Độ với tốc độ tăng trưởng kinh tế đang khởi sắc.
Dẫu vậy, có thể khẳng định những năm tháng tươi đẹp nhất của châu Á đã lùi vào quá khứ, và khả năng hồi phục mạnh mẽ là rất mong manh, chuyên gia Gareth Leather tại công ty nghiên cứu Capital Economics ở London nhận xét.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg