Dầu thô sẽ vượt 100 USD/thùng trong năm nay khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi.
Trung Quốc đang đe dọa nỗ lực chống lạm phát của thế giới
Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đang bùng nổ trở lại khi nền kinh tế của nước này phục hồi sau thời kỳ suy thoái do chính sách hạn chế COVID hà khắc gây ra. Nhiều chuyên gia lo lắng rằng sự gia tăng nhập khẩu dầu thô và các nguồn năng lượng khác của Trung Quốc có thể đẩy giá cả lên cao hơn, thúc đẩy lạm phát trên toàn thế giới.
UBS Global Wealth Management cho biết với nhu xăng và nhiên liệu máy bay tăng mạnh ở Trung Quốc, UBS kỳ vọng giá dầu thô trung cấp West Texas sẽ đạt 107 USD/thùng trong năm nay, thấp hơn mức cao nhất của năm ngoái là 130 USD nhưng cao hơn 40% so với mức hiện tại.
Tính đến ngày 27/1, lượng khách du lịch trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc đạt 90% so với trước đại dịch năm 2019. Để đáp ứng nhu cầu dầu thô tăng mạnh, hồi đầu tháng 1, Bắc Kinh đã tăng hạn ngạch nhập khẩu năm 2023 thêm 20% so với năm trước.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ đạt 101,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023 - tăng 2 triệu thùng so với năm trước. Tại Trung Quốc, nhu cầu dự kiến sẽ tăng 900.000 thùng/ngày, chiếm gần một nửa mức tăng dự kiến trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, du lịch nước ngoài của người Trung Quốc vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Nhiều chuyên gia dự đoán giá dầu sẽ tăng mạnh và tình trạng thiếu hụt trầm trọng hơn vào nửa cuối năm nay. Goldman Sachs nhận thấy hợp đồng tương lai dầu Brent tăng dần lên 100 USD vào tháng 12 và duy trì ở mức đó cho tới năm 2024.
Trong khi đó, nguồn cung khó có thể tăng sớm do OPEC Plus, bao gồm các nước ngoài OPEC như Nga, dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng. Moscow đã tuyên bố giảm sản lượng khai thác dầu, như một động thái phản đối các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước Châu Âu. Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ cũng khó có thể tăng mạnh trong thời gian tới.
Giá khí đốt tự nhiên, nguyên nhân chính gây ra lạm phát ở Châu Âu, đã giảm hơn 80% so với mức đỉnh và vẫn ở mức thấp trong bối cảnh thời tiết mùa đông ôn hòa. Triển vọng giá phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc có "quay trở lại" thị trường giao ngay đối với khí tự nhiên hóa lỏng hay không.
Theo công ty nghiên cứu Rystad Energy của Na Uy, năm ngoái, Trung Quốc hầu như không có mặt trên thị trường giao ngay vì mức tiêu thụ khí đốt của nước này đã chậm lại trong bối cảnh nền kinh tế yếu kém. Giao dịch giao ngay chỉ chiếm 10% hoạt động mua sắm LNG của Trung Quốc vào năm ngoái, giảm từ mức 40% vào năm 2021. Điều này cho phép Châu Âu nhập khẩu đủ LNG để tránh tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng.
Nếu nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh chóng, những nỗ lực toàn cầu nhằm chế ngự lạm phát có thể không hiệu quả. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,2% vào năm 2023, tăng từ mức 3% vào năm 2022. Nếu Trung Quốc tăng tốc độ tăng trưởng thêm 2 điểm phần trăm, điều đó có thể nâng chỉ số giá hàng hóa quốc tế lên khoảng 4%, bù đắp cho tốc độ tăng trưởng chậm của Mỹ và Châu Âu, ông Jun Inoue, nhà kinh tế cấp cao tại Mizuho Research & Technologies, cho biết.
Mặc dù lạm phát tổng thể có thể đã đạt đỉnh vào thời điểm hiện tại ở Mỹ và châu Âu, nhưng các chỉ số giá cả đã không giảm như mong đợi ở Mỹ do giá xăng dầu và các loại năng lượng khác tăng trở lại. Nhiều người lo ngại cơn đói năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc có thể đẩy nhanh hơn nữa lạm phát ở Mỹ và các nơi khác.
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn Nikkei Asia