Bất chấp việc dỡ bỏ các hạn chế về Covid vào tháng 1, ngành dịch vụ của Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn để tự đứng vững trở lại. Ảnh: Getty Images.
Trung Quốc đang bỏ lỡ mục tiêu "thịnh vượng chung"?
Khoảng cách thu nhập của Trung Quốc đã tăng lên mức lớn nhất kể từ lần đầu tiên dữ liệu được thu thập, khi mà thu nhập trung bình hộ gia đình của 20% người giàu nhất ở khu vực thành thị đạt tới 6,3 lần so với 20% người có thu nhập thấp nhất.
Nhiều người trong ngành dịch vụ, bao gồm nhà hàng, khách sạn và giải trí, đã mất việc hoặc bị cắt lương do chính sách Zero Covid của Chủ tịch Tập Cận Bình trong 3 năm qua. Mức lương của họ vẫn chưa bắt kịp trở lại kể từ khi chính sách này được dỡ bỏ vào tháng 1 năm nay.
Mặt khác, tầng lớp giàu có ở thành thị với tài sản lớn tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian này. Trước những hạn chế đi lại và lệnh phong tỏa, họ chi tiêu ít hơn còn tiền tiết kiệm tích lũy và những tài sản liên tục tăng do lãi suất tăng.
Bất chấp việc dỡ bỏ các hạn chế do COVID, tốc độ phục hồi kinh tế và tăng trưởng thu nhập trong năm nay vẫn chậm, trong khi chính quyền địa phương phải đối mặt với gánh nặng tài chính khổng lồ. Một trong những khẩu hiệu chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình là “sự thịnh vượng chung”, trong đó rút ngắn khoảng cách thu nhập trung bình là ưu tiên hàng đầu. Điều này giờ đây dường như là một mục tiêu xa vời, do tình trạng bất ổn kinh tế mà Trung Quốc phải đối mặt trong bối cảnh thị trường bất động sản nguội lạnh.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, khoảng cách thu nhập ở khu vực thành thị ngày càng trở nên tồi tệ hơn kể từ năm 2015, với 20% người có thu nhập cao nhất kiếm được gấp 5,3 lần so với 20% người có thu nhập thấp nhất. Khoảng cách thu nhập ở khu vực nông thôn đạt mức cao nhất trong 4 năm là 9,2 lần vào năm 2022.
Khoảng cách thu nhập tại khu vực thành thị Trung Quốc (theo cấp số nhân). Ảnh: Nikkei Asia. |
Dữ liệu cho thấy tốc độ tăng trưởng thu nhập của nhóm 20% người có thu nhập cao nhất ở khu vực thành thị vào năm 2022 tăng nhanh hơn với tốc độ 4,5% so với năm trước, còn số liệu tương tự ở nhóm 20% dưới cùng là 1,3%.
Trong năm, các hạn chế về COVID đã được tăng cường để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đặc biệt là ở các thành phố lớn, đã khiến bức tranh việc làm trở nên tồi tệ hơn.
Tỉ lệ thất nghiệp ở 31 thành phố lớn, chẳng hạn như thủ phủ của các tỉnh, đạt 6,0% vào năm 2022, cao hơn mức trung bình chung là 5,6%. Những doanh nghiệp ngành dịch vụ thì có xu hướng xây dựng lực lượng lao động lớn hơn ở các thành phố lớn và nhóm lao động này nằm trong số những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.
Một số người tin rằng vấn đề nợ quá mức của Trung Quốc đang góp phần làm gia tăng khoảng cách thu nhập. Các công ty đầu tư trực thuộc chính quyền địa phương là ví dụ điển hình. Nhiều Đơn vị phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (LGFV) đang phải vật lộn với việc trả nợ do đầu tư cơ sở hạ tầng thua lỗ. Tuy nhiên, nhờ sự bảo lãnh của chính phủ, họ vẫn tiếp tục hoạt động bằng cách tái cấp vốn cho các khoản vay và trả lãi cho chủ nợ.
Nhiều cửa hàng ở Bắc Kinh buộc phải đóng cửa vì các hạn chế Covid vào tháng 5/2022. Ảnh: Iori Kawate. |
Sự chênh lệch thu nhập ở Trung Quốc ngày càng lớn so với các quốc gia và khu vực khác. Theo ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ UBS và công ty con Credit Suisse, 1% người giàu nhất Trung Quốc kiểm soát hơn 31% tài sản hộ gia đình của đất nước.
Mặc dù tỷ lệ này thấp hơn Ấn Độ và Mỹ nhưng có mức độ tăng cao nhất trong số 14 nền kinh tế được khảo sát.
Có thể bạn quan tâm:
"Lạm phát tham lam" bao trùm châu Âu
Nguồn Nikkei Asia