Trung Quốc đã đến sát bờ vực khủng hoảng tín dụng?
Theo các số liệu hồi tháng 1 vừa qua, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã lần đầu tiên kể từ năm 2011 rơi xuống dưới mức 3.000 tỷ USD, chỉ còn 2.998 tỷ. Như vậy, nếu so với lúc chạm đỉnh cách đây 30 tháng thì lượng dự trữ của Trung Quốc đã mất gần 1.000 tỷ USD.
Có một điều nữa ít ai để ý là nợ vay nước ngoài của Trung Quốc cũng đã gia tăng chóng mặt trong vài năm trở lại đây, thêm gần 1.000 tỷ USD. Do đó, lượng dự trữ ngoại tệ ròng của Trung Quốc (lấy dự trữ ngoại tệ trừ đi nợ vay nước ngoài) thực tế chỉ còn khoảng 1.700 tỷ USD, theo phân tích của Kynikos Associates.
Lượng dự trữ ngoại tệ ròng của Trung Quốc (màu tím) đã sụt giảm đáng kể từ năm 2015. Ảnh: Business Insider |
Theo nhận định từ nhà phân tích Ivan Martchev của Navellier & Associates, với mức dự trữ xuống thấp như vậy, khả năng Trung Quốc duy trì ổn định tỷ giá đồng NDT trong thời gian tới đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Cũng theo Martchev, bong bóng tín dụng của Trung Quốc đã bắt đầu phát nổ, và điều này chỉ càng làm tăng tốc đà “chảy máu” ngoại tệ.
Hiện tại, tổng lượng dư nợ tín dụng của Trung Quốc đã lên tới gần 400% GDP, nếu tính cả hệ thống tín dụng ngầm (shadow banking) thường không được nói tới trong các thống kê chính thức. Hồi năm 2000, tỷ lệ này mới là gần 100%. Tính từ đó tới nay, trong khi GDP Trung Quốc gia tăng 11 lần, tổng dư nợ tín dụng đã tăng tới hơn 40 lần. Gần đây, trong lúc GDP tăng trưởng chậm lại (con số 6,7% của năm ngoái vẫn đang bị nhiều người nghi ngờ về tính xác thực), thì hóa ra tín dụng lại càng tăng tốc nhanh hơn.
Theo bình luận của Martchev, “việc tín dụng gia tăng càng lúc càng nhanh trong lúc kinh tế tăng trưởng chậm lại chính là định nghĩa kinh điển của việc vỡ bong bóng tín dụng”. Nói một cách khác, Trung Quốc đang đi vào lại vết xe đổ của Nhật Bản giai đoạn đầu những năm 1990.
Tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc càng lúc càng nóng, bất kể đà tăng trưởng GDP. Ảnh: Trading Economics |
Cũng theo Martchev, có một điều rất đáng ngại nữa về Trung Quốc là việc các số liệu thống kê chính thức có thể bị “tô hồng” và làm che mắt giới đầu tư. Một ví dụ mà ông đưa ra là vào năm 1993, khi Trung Quốc hạ giá đồng NDT tới 34% để tìm cách kiềm chế một đợt suy thoái mà cho tới nay vẫn chưa được nước này thừa nhận là đã từng diễn ra. Các nhà nghiên cứu chỉ phát hiện ra dấu vết của đợt suy thoái này thông qua việc phân tích các số liệu thứ cấp về tín dụng vào thời điểm đó.
Do đó, việc các số liệu kinh tế của Trung Quốc trong giai đoạn gần đây vẫn rất “yên ả” đã làm Martchev cảm thấy rất ngạc nhiên và sinh ra ngờ vực. Ông bình luận: “Bong bóng tín dụng một khi đã phát nổ thì việc lan truyền hiệu ứng sẽ tăng tốc rất nhanh, và mọi thứ sẽ rơi vào hỗn độn. Tôi không biết liệu quá trình này có diễn ra trong năm 2017 hay không, nhưng tôi vẫn đang theo dõi số liệu về dự trữ và dòng chảy ngoại tệ”.
Ngoài ra, việc tổng thống Mỹ Donald Trump đang hô hào phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc cũng như dầu đổ thêm vào lửa. Theo Martchev dự đoán, sẽ có một cuộc khủng hoảng mới tại châu Á tương tự như đợt khủng hoảng 1997-1998, lần này là bắt nguồn từ Trung Quốc. Ông nói: “Càng lúc tôi càng thấy có thêm nhiều bằng chứng cho giả thuyết bong bóng tín dụng của mình, cũng như các hậu quả kinh tế sẽ tiếp nối sau đó”.
Tuấn Minh