Thứ Năm | 06/08/2015 11:52

Trung Quốc đã chi bao nhiêu tiền để cứu chứng khoán?

Việc Trung Quốc tăng cường các biện pháp giải cứu chứng khoán làm dấy lên lo ngại chính phủ đang gây nguy hại cho toàn bộ thị trường tài chính.

Kể từ khi thị trường chứng khoán lao dốc từ mức đỉnh hồi tháng 6, Bắc Kinh đã tung ra gói kích thích khổng lồ với nhiều kết quả trái ngược.

Việc Trung Quốc tăng cường các biện pháp giải cứu chứng khoán làm dấy lên lo ngại chính phủ đang gây nguy hại cho toàn bộ thị trường tài chính. Việc giải cứu chứng khoán cũng khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ hoảng sợ khi đang cố gắng tháo chạy, bán tháo cổ phiếu trước khi các biện pháp giải cứu cạn kiệt, khiến Chỉ số Shanghai Composite biến động chưa từng có trong những tuần gần đây.

Vậy, Bắc Kinh thực sự đã chi bao nhiêu tiền trong nỗ lực giải cứu này? Giáo sư Christopher Balding, nhà kinh tế học tại Peking University ước tính con số này là 1,3 nghìn tỷ USD.

Số tiền này cao gấp 5 lần so với 247 tỷ USD chính phủ Mỹ chi cho Chương trình Giải cứu Tài sản xấu (TARP) nhằm hỗ trợ các định chế tài chính sau cuộc khủng hoảng 2008.

Chi tiết các con số mà giáo sư Balding đưa ra như sau:

* 29/6: Quỹ lương hưu của Trung Quốc lần đầu tiên được phép đầu tư vào cổ phiếu - 100 tỷ USD

* 3/7: Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cung cấp các khoản vay mới cho ngân hàng thương mại - 40,2 tỷ USD

* 4/7: Các công ty môi giới chứng khoán Trung Quốc cam kết chi tiền để ổn định thị trường - 19,3 tỷ USD

* 8/7: Công ty Tài chính Chứng khoán Trung Quốc (CSF), chuyên cung cấp các khoản cho vay ký quỹ để mua cổ phiếu, cam kết thanh khoản mới cho các quỹ tương hỗ - 32 tỷ USD

* 9/7: PBOC cam kết khoản hỗ trợ tài chính mới cho CSF - 41,9 tỷ USD

* 14/7: Bắc Kinh mở rộng chương trình giải cứu, chuyển đổi nợ chính quyền địa phương thành trái phiếu - 450 tỷ USD

* 17/7: CSF được bổ sung 483 tỷ từ PBOC và các ngân hàng quốc doanh

* Ngoài ra còn có 161 tỷ USD hỗ trợ trái phiếu địa phương (chưa được xác nhận, theo giáo sư Balding)

Những con số trên đây chưa bao gồm các biện pháp kích thích khác được tung ra trước khi thị trường chứng khoán lao dốc hồi tháng 6, kể cả một loạt đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ tháng 12/2014, bổ sung 282 tỷ thanh khoản và việc PBOC bơm 62 tỷ USD cho các ngân hàng quốc doanh hồi tháng 4.

Nếu tính toàn bộ, theo giáo sư Balding, tổng số tiền sẽ lên đến 1,6 nghìn tỷ USD.

Giáo sư Balding cho biết, những vấn đề khó khăn mà chính phủ Trung Quốc đang đối mặt nhiều hơn dự đoán của giới phân tích và tuy không biết chắc những vấn đề này là gì, song ông Balding cho rằng vấn đề nợ doanh nghiệp nghiêm trọng hơn so với dự kiến.

Bất kỳ vấn đề là gì, chi phí cho chương trình kích thích của chính phủ Trung Quốc sẽ gây thêm khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng thương mại Trung Quốc đang phải gánh chịu chi phí này và “điều đó chắc chắn sẽ làm suy yếu khả năng thanh khoản của các ngân hàng cũng như khả năng đầu tư vào các tài sản khác”.

Nhật Trường

Nguồn QZ