Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm nhất 7 năm
Theo khảo sát của CNN với các nhà kinh tế học, đây sẽ là tốc độ tăng trưởng quý chậm nhất của Trung Quốc từ đầu khủng hoảng tài chính 2009. Dự báo tăng trưởng cả năm cũng sẽ xuống còn 6,3%. Con số này thấp hơn đáng kể mục tiêu của Bắc Kinh là 6,5-7%. Thậm chí thấp hơn năm ngoái - 6,9%.
Số liệu GDP chính thức quý I sẽ được cơ quan thống kê nước này công bố vào thứ Sáu.
Sau nhiều năm bùng nổ, kinh tế Trung Quốc hiện co lại rất nhanh. Một phần vì Chính phủ nước này đang cố lái tăng trưởng sang dựa vào dịch vụ, thay vì sản xuất. Họ cũng đang chịu áp lực từ khối nợ cao, sau nhiều năm tăng trưởng tín dụng nóng.
"Họ có thành công trong việc tái cân bằng kinh tế vài năm tới hay không còn phụ thuộc vào khả năng duy trì thanh khoản trong hệ thống tài chính của Chính phủ, trong bối cảnh vẫn phải giảm được nợ ngân hàng và thúc đẩy thị trường trái phiếu nội địa", Peter Donisanu tại Wells Fargo cho biết.
Đa phần các số liệu kinh tế Trung Quốc công bố năm nay, từ thương mại đến sản xuất, đều cho thấy bức tranh khá ảm đạm. Một số cho rằng đó là do Tết Nguyên Đán. Thời điểm này, hầu hết các hoạt động kinh doanh bị đình trệ.
Tuy nhiên, hậu quả của quá trình tái cân bằng kinh tế đã khá rõ ràng. Cuối tháng 2, Trung Quốc thông báo sa thải 1,8 triệu công nhân ngành than và thép để giảm dư thừa công suất. Con số này tương đương 20% nhân lực ngành than và 11% ngành thép tại đây, IHS Insight cho biết.
Dù vậy, một số chuyên gia lại tỏ ra lạc quan. Ning Zhang - nhà kinh tế học tại UBS tin rằng các số liệu kinh tế sắp tới sẽ cho thấy sự hồi phục, nhờ lĩnh vực bất động sản đang cải thiện và các hỗ trợ về tài khóa, tín dụng gần đây.
Trung Quốc đang cố thoát khỏi hình ảnh tồi tệ năm 2015. Thị trường chứng khoán và đồng NDT lao dốc đã khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào khả năng điều hành kinh tế của giới chức nước này.
Nguồn CNN/Vnexpress