Ảnh: CNBC

 
Vũ Hạo Thứ Hai | 23/03/2020 13:48

Trung Quốc có thể là động lực giúp ổn định thị trường tài chính toàn cầu?

Đối mặt với cú sốc mang tên “Covid-19”, Trung Quốc muốn là nguồn lực giúp ổn định thị trường tài chính toàn cầu – bắt đầu với thị trường của chính họ.

Giữa lúc xuất hiện hàng loạt lời kêu gọi hợp tác quốc tế từ các nhà lãnh đạo trên toàn cầu, nhưng vẫn còn chưa rõ sẽ hợp tác đến mức nào. Và khi nói về Trung Quốc, họ còn phải cân nhắc đến nhiều vấn đề cấp thiết trong nước, như mức nợ cao ngất ngưỡng, nhu cầu vốn nước ngoài và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là quốc gia đầu tiên đối mặt với Covid-19, sau khi dịch này bùng phát tại Vũ Hán vào cuối tháng 12/2019. Bệnh dịch đã lan rộng hơn 100 quốc gia và gây ra hơn 11.100 ca tử vong trên toàn thế giới.

Khi số ca nhiễm mới tại Trung Quốc giảm mạnh chỉ còn vài ca và các cơ quan chức trách thôi thúc doanh nghiệp hoạt động trở lại, một số chuyên gia nhấn mạnh rằng tại giai đoạn này, Trung Quốc có thể chia sẻ những kinh nghiệm của chính họ cho toàn thế giới.

“Mặc dù đúng là khủng hoảng tại Trung Quốc vẫn chưa dứt hẳn, nhưng vẫn còn đó nhiều bài học có thể rút ra từ những kinh nghiệm của Trung Quốc”, ông Helge Berger, nhà kinh tế học tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào ngày thứ Sáu (20/03).

“Từ kinh nghiệm của Trung Quốc, có thể thấy rằng quan trọng là các nhà hoạch định chính sách buộc phải sẵn sàng tâm lý cho đà giảm tốc về tăng trưởng – một điều không thể tránh khỏi… Tác động kinh tế từ dịch Covid-19 sẽ rất nghiêm trọng”, ông Berger cho biết. “Điều này rất quan trọng và cần chúng ta phải để tâm tới”.

Nỗi lo sợ về đà suy thoái trên toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã làm chao đảo các thị trường, đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ xuống mức thấp kỷ lục. Các chỉ số chứng khoán Mỹ vừa khép lại tuần tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, trong đó chỉ số S&P 500 đã giảm gần 29% kể từ đầu năm 2020. Trong khi đó, Shanghai Composite giảm chỉ gần 10%.

Thị trường cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc lớn thứ 2 trên thế giới. “Do đó, việc duy trì sự ổn định trên thị trường tài chính Trung Quốc sẽ đóng góp rất lớn vào sự ổn định của thị trường tài chính toàn cầu”, ông Chen Yulu, Phó Thống đốc tại Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), cho biết tại cuộc họp báo ngày Chủ nhật (22/03).

Việc ổn định thị trường Trung Quốc chỉ là một trong hai lĩnh vực mà các cơ quan chức trách lên kế hoạch hành động theo sự chỉ đạo của Ủy ban Tài chính của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, ông Chen cho biết.

Trung Quốc đang trao đổi với FED

Lĩnh vực khác được đề cập ở trên là tham gia tích cực vào việc phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô với các quốc gia khác, bao gồm làm việc với các quốc gia khác để cung cấp hỗ trợ cho các nền kinh tế đang phát triển bị tác động mạnh bởi virus corona.

“PBOC cũng chấp nhận sáng kiến báo cáo lại tác động của virus corona và những biện pháp đối phó hiệu quả cho các NHTW của nhóm G20 và các định chế tài chính quốc tế lớn”, ông nói.

Ông Chen lưu ý, Thống đốc PBOC Yi Gang đã trao đổi quan điểm “nhiều lần” với Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) Agustin Carstens và Chủ tịch FED Jerome Powell về cách đối phó với dịch bằng chính sách tiền tệ.

Thay vì giảm lãi suất hoặc tung ra các chương trình kích thích quy mô lớn, NHTW Trung Quốc tỏ ra bảo thủ hơn và giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản trong ngày thứ Sáu (20/03). Trước đó, PBOC đã thực hiện vài đợt giảm lãi suất và thông báo các khoản vay đặc biệt trị giá hàng trăm tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động bởi virus corona.

“Trung Quốc thực sự muốn thấy dòng tiền đổ vào nước họ và đó là lý do tại sao PBOC sẽ không giảm lãi suất xuống mức gần với các quốc gia khác. Điều này khó mà làm giảm giá nhân dân tệ”, ông Michael Pettis, Giảng viên tài chính tại Đại học Bắc Kinh, cho biết trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào ngày Chủ nhật (22/03).

Đồng nhân dân tệ đã dao động gần ngưỡng 7 đổi 1 USD và ông Chen cho biết PBOC kỳ vọng nhân dân tệ sẽ dao động quanh ngưỡng này.

Tỷ giá trung tâm của nhân dân tệ đã giảm hơn 1,4% so với USD từ đầu năm 2020, nhưng lại tăng hơn 4,75% so với rổ tiền tệ chính thức, dữ liệu từ Wind Information cho thấy.

Quan trong hơn, chênh lệch trung bình hàng ngày giữa lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ và Trung Quốc là 172 điểm cơ bản trong giai đoạn 20/02-19/03, theo cơ quan quản lý tỷ giá hối đoái của Trung Quốc. Nhờ đó, tài sản của Trung Quốc trở nên khá hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết một trong những mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh: Tăng phần nắm giữ tài sản bằng nhân dân tệ của các tổ chức quốc tế.

Sự ổn định cũng có giới hạn

Ông Pettis kỳ vọng dòng vốn nước ngoài sẽ chảy vào Trung Quốc, từ đó giúp Bắc Kinh tăng nguồn cung tiền trong nước và có thể giúp Trung Quốc tiêu thụ hàng hóa thế giới mạnh hơn.

“Sự ổn định của Trung Quốc không tốt hay xấu đối với thế giới”, ông Pettis cho hay. “Nhưng nếu Trung quốc tạo ra nhu cầu hàng hóa cho thế giới thì đó là điều tốt cho cả thế giới”.

Thị trường tài chính Trung Quốc khá lớn, nhưng vẫn tương đối khép kín với phần còn lại của thế giới. Trong khi đó, quốc gia này lại gắn kết sâu với chuỗi cung ứng toàn cầu và thương mại quốc tế. Dòng vốn nước ngoài chiếm gần 4% trong tổng vốn hóa thị trường cổ phiếu loại A của Trung Quốc, theo Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc.

Tuần trước, dữ liệu chính thức từ Trung Quốc cho thấy bức tranh ảm đạm về tăng trưởng, từ đó thôi thúc nhiều chuyên gia kinh tế dự báo GDP Trung Quốc sẽ thu hẹp trong quý 1/2020 và tăng trưởng không quá cao trong năm 2020.

Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn còn phải đối mặt với những vấn đề trong nước như mức đòn bẩy cao và đà giảm tốc của nền kinh tế. Dịch Covid-19 cũng gây áp lực lên các công ty tư nhân quy mô vừa và nhỏ - vốn đóng góp phần lớn vào tăng trưởng và việc làm tại Trung Quốc.

Về phần thị trường toàn cầu, ông Chen cho rằng: “Vẫn còn quá sớm để kết luận về việc thế giới có bước vào khủng hoảng tài chính hay chưa”.

Nguồn CNBC