Trung Quốc có thể chỉ tăng trưởng 7,1% trong năm tới
Kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tăng trưởng chậm lại ở 7,1% trong năm tới. Tình trạng suy yếu trầm trọng và kéo dài của thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn là nguyên nhân chính kéo giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong thời gian gần đây, theo nhận định của chuyên gia kinh tế trưởng Ma Jun tại PBOC. Mặc dù không đại diện cho quan điểm chính thức của PBOC, nhưng kết quả nghiên cứu này vẫn được đăng tải trên trang web của ngân hàng trung ương nước này.
Các chuyên gia kinh tế của PBOC dự đoán, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7,4% trong năm nay - ghi nhận năm tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990. Mới đây trong quý III, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm ở 7,3%.
Ông Ma Jun cho biết, tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại nhưng triển vọng của thị trường việc làm và lạm phát vẫn ở mức ổn định. Ông khẳng định, thị trường lao động sẽ không phải là vấn đề lớn đối với Trung Quốc.
Nói cách khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại nhưng chất lượng tăng trưởng lại cao hơn. Trên thực tế, đây là định hướng tăng trưởng mà chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực hướng tới. Theo đó, chính phủ Trung Quốc tăng cường giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường và bảo vệ nguồn năng lượng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững hơn.
Cũng theo nghiên cứu này, đầu tư tài sản cố định - phản ánh tình hình sức khỏe của lĩnh vực bất động sản và xây dựng - có thể sẽ giảm xuống còn 12,8% trong năm tới từ mức 15,5% của năm 2014. Xuất khẩu và nhập khẩu dự báo đồng loạt tăng mạnh, lần lượt ở 6,9% và 5,1% trong năm 2015. Tỷ lệ lạm phát dự báo tăng nhẹ từ 2% trong năm nay lên 2,2% trong năm sau.
Cuối tuần trước khi kết thúc cuộc họp chính sách tháng 12, dù không đưa ra bất kỳ mục tiêu kinh tế nào nhưng các chuyên gia phân tích đang kêu gọi PBOC hạ mục tiêu tăng trưởng trong vài năm tới xuống còn khoảng 7%. Như vậy, chính phủ Trung Quốc mới có thể tập trung hơn vào công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, đưa chi tiêu tiêu dùng, thay vì đầu tư công, trở thành yếu trụ cột chính của nền kinh tế.
Nguồn DVO/ Wall Street Journal