Trung Quốc có siêu đô thị lớn nhất thế giới
Là dải siêu đô thị lớn nhất thế giới với diện tích gần 700.000 ha, khu vực Đồng bằng châu thổ sông Châu Giang (PRD) có dân số lên đến khoảng 42 triệu người và đang không ngừng phình ra hàng ngày.
Vùng siêu đô thị PRD bao gồm 9 thành phố với quy mô đều từ 1 triệu dân trở lên: Thâm Quyến, Đông Quan, Huệ Châu, Chu Hải, Trung Sơn, Giang Môn, Quảng Châu, Phật Sơn, và Triệu Khánh. Dân số nơi đây đông hơn cả một số quốc gia như Canada (35 triệu người), Úc (23 triệu người) và Argentina (41 triệu người ).
Đồng bằng châu thổ sông Châu Giang xưa là vùng nông thôn với nền kinh tế dựa vào nông nghiệp. Khu vực này đã phát triển vượt bậc cùng với quá trình đô thị hóa vào thập niên 1990, khi các nhà máy và doanh nghiệp lớn đổ xô đến đây hoạt động, mang theo hàng triệu dân nhập cư mới.
Hình ảnh từ vệ tinh ghi lại khi nơi đây chỉ là một vùng nông thôn vào năm 1973, và vào năm 2003 khi nó đã trở thành một trung tâm đô thị.
Màu đỏ là đất rừng, các ô vuông nhỏ là đất nông nghiệp, còn màu xám là các khu đô thị |
Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ chi 322 tỷ USD để thu hút dân cư ở vùng ngoại ô lân cận vào khu vực này. Dân số của PRD dự kiến tăng lên 80 triệu người, với tổng GDP 2.000 tỷ USD (trong khi GDP của toàn bộ nước Mỹ là 17.000 tỷ USD).
Ảnh chụp từ Lưu Phù Sơn nhìn về thành phố Thâm Quyến đang phát triển nhanh chóng |
Điều quan trọng là, liệu Trung Quốc có thể tạo ra một siêu đô thị bền vững từ việc sáp nhập các thành phố. Quốc gia này đã bắt đầu xây dựng các công trình giao thông để kết nối các thành phố lại.
Ở khía cạnh nào đó, khu vực này vẫn còn rất nhiều tiềm lực phát triển.
Cầu Hồng Kông - Chu Hải - Ma Cao, dự án nối 3 thành phố trong khu vực đồng bằng sông Châu Giang, ảnh chụp từ đảo Đại Nhĩ Sơn ở Hồng Kông (Trung Quốc) vào ngày 12/6. |
Theo một báo cáo từ Ngân hàng Thế giới, khoảng 64% dân cư của đồng bằng Châu Giang vẫn sống ở ngoài khu vực đô thị.
Quá trình đô thị hóa mang theo nhiều hệ lụy như: tụt hậu cơ sở hạ tầng, khan hiếm nhà ở công cộng. Chịu ảnh hưởng nhiều nhất của quá trình này là những người dân sống ở vùng ngoại ô. Mặt khác, quá trình đô thị hóa không đồng đều đã tạo ra hiện tượng bất bình đẳng, chẳng hạn như khu nhà ổ chuột này đang nằm lọt thỏm giữa các tòa nhà cao tầng.
Những người lao động nhập cư đang trò chuyện trong khu nhà tạm gần công trường nhà cao tầng tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. |
Giải quyết tình trạng bất bình đẳng là một vấn đề nan giải của Trung Quốc trong kế hoạch mở rộng đô thị 15 năm tiếp theo. Bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã viết: “Quá trình đô thị hóa vẫn còn cơ hội để phát triển một cách bền vững và công bằng hơn. Trong vài thập kỷ tới, cơ hội này sẽ khép lại, và các thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu những hậu quả do quá trình đô thị hóa ngày nay của chúng ta”.
Thùy Loan
Nguồn Business Insider