Thứ Năm | 04/10/2012 12:42

Trung Quốc có phải là nước giàu?

Trung Quốc còn lâu nữa mới có thể được coi là một nước giàu.
Trong bài viết đăng trên tờ Tín báo của Hong Kong, chuyên gia Cao Liên Khuê thuộc Trung tâm nghiên cứu tiền tệ Trung Quốc cho rằng, Sự giàu có mà mọi người nói về Trung Quốc thường nằm ở 2 yếu tố, dự trữ ngoại hối cao và tỷ trọng thu nhập tài chính so với GDP cao. Tuy nhiên, thực tế, cả 2 yếu tố này đều không chắc chắn.

Trung Quốc có phải là nước giàu?

Tiệm cầm đồ

Theo chuyên gia Cao, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc thường đến từ 2 nguồn: Đầu tư nước ngoài và thặng dư thương mại. Tại Trung Quốc, việc lưu thông ngoại tệ là điều không được phép nên khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn vào nước này làm ăn, họ buộc phải đổi ngoại tệ sang nhân dân tệ.

Khi nhà đầu tư chuyển lợi nhuận về nước, họ lại đổi từ nhân dân tệ sang ngoại tệ và trong trường hợp này Ngân hàng trung ương Trung Quốc chỉ đóng vai trò như một "tiệm cầm đồ" chuyên giữ ngoại tệ hộ các nhà đầu tư nước ngoài.

Nói cách khác, số ngoại tệ mà Trung Quốc đang nắm giữ hoàn toàn không phải của họ mà là của khách hàng nên con số dự trữ ngoại hối cao không có nhiều ý nghĩa.

Thứ hai, Trung Quốc có mức thặng dư thương mại khá lớn. Khi các doanh nhân của nước này đi làm ăn ở nước ngoài về, họ cũng buộc phải đổi ngoại tệ ra nhân dân tệ và ngân hàng trung ương Trung Quốc tiếp tục trở thành tiệm cầm đồ chuyên giữ ngoại tệ hộ các doanh nghiệp trong nước.

Điều đáng nói hơn cả là "tiệm cầm đồ" này thường xuyên làm ăn thua lỗ trong những năm gần đây. Do Trung Quốc thường có các chính sách hỗ trợ và ưu đãi rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài nên lợi nhuận sinh ra là khá lớn. Giả sử một nhà đầu tư mang vào Trung Quốc 1 tỷ USD, sau vài năm họ thu về lợi nhuận 3 tỷ USD và Ngân hàng trung ương Trung Quốc buộc phải đảm bảo đổi lại cho nhà đầu tư kia đủ 3 tỷ USD ngoại tệ. Trong trường hợp này, số ngoại tệ đã bị thâm hụt đi 2 tỷ USD.

Cho dù, để hạn chế tình trạng "làm không công cho nhà đầu tư nước ngoài", ngân hàng trung ương đã tận dụng ngoại hối để mua một ít trái phiếu Chính phủ Mỹ để kiếm lời nhưng nếu so với mức lợi nhuận mà người nước ngoài thu được trên đất Trung Quốc, mức lãi này còn kém rất xa.

Mấy năm gần đây, do các chính sách tiền tệ hỗ trợ cho xuất khẩu, nhân dân tệ không ngừng tăng giá nên dù nhà đầu tư nước ngoài mang tiền vào Trung Quốc chẳng kinh doanh gì họ vẫn có lãi và đây cũng chính là lý do dòng tiền nóng từ bên ngoài đổ vào Trung Quốc rất mạnh, từ đó giúp cho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc cũng tăng lên.

Dù ngân hàng trung ương làm ăn thua lỗ nhưng tính theo tổng lợi ích trên toàn xã hội thì việc thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài mang lại lợi ích cho rất nhiều mặt khác nhau.

Trung Quốc có phải là nước giàu?

Chuyên gia Cao Liên Khuê ví von, tiệm cầm đồ có thể mang chiếc xe hơi của khách đi vài vòng nhưng không thể nói chiếc xe đó là của họ và khi tiệm cầm đồ có nhiều đồ đạc giá trị cũng không ai có thể nói ông chủ tiệm giàu có.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể nắm giữ rất nhiều ngoại hối nhưng họ không thể dùng nó làm thu nhập tài chính mà chỉ có thể mua một ít tài sản dễ quy đổi và cũng chỉ có thể trích ra một phần rất nhỏ để đầu tư. Nói cách khác, Trung Quốc chỉ có quyền chi phối ngắn hạn và tỷ lệ nhỏ của số ngoại hối dự trữ đó chứ không có quyền quyết định cuối cùng.

Đến lúc này, mấy ai còn dám dựa vào lượng ngoại hối dự trữ để nói Trung Quốc là nước giàu?

Thu nhập tài chính chiếm tỷ trọng thấp

Tỷ trọng thu nhập tài chính của Trung Quốc trong GDP là vô cùng thấp so với mặt bằng chung của cả thế giới, chỉ ở khoảng mức 30%. Với các nước đang phát triển, tỷ lệ này là khoảng 35%, ở các nước đã phát triển đã đạt gần 50% còn mức trung bình của cả thế giới là 40%. Nếu xét theo tiêu chí này, thậm chí Trung Quốc còn khó có thể "ngồi cùng mâm" với các nước đang phát triển.

Do đang ở trong giai đoạn phát triển nhanh nên Trung Quốc cần lượng lớn tiền đầu tư, xây dựng và mức nợ trái phiếu chính phủ của Trung Quốc hiện nay đã chiếm khoảng 40% GDP trong khi mức nợ của các chính quyền địa phương khá cao. Tất cả những khoản tiền này đều cần chính quyền dùng thu nhập tài chính để hoàn trả nên mãi mãi Trung Quốc và các chính quyền địa phương không thể dư dả được hơn.

Những năm gần đây, mặc dù chính phủ Trung Quốc đã tập trung khá mạnh mẽ trong việc giải quyết 2 tồn tại này và đã thu được một số kết quả đáng kể. Tuy nhiên, các vấn đề dân sinh, xã hội mới nảy sinh cũng ngày càng nhiều lên và điều nguy hiểm là đa số người dân Trung Quốc vẫn lầm tưởng rằng Trung Quốc là một "nước giàu, dân nghèo" dẫn đến tình trạng bất mãn cũng vì thế mà ngày càng cao.

Theo chuyên gia Cao Liên Khuê, đã đến lúc Trung Quốc phải tuyên truyền mạnh hơn nữa để mọi người hiểu rằng, Trung Quốc chưa phải là một nước giàu.

Nguồn Infonet/Khampha


Sự kiện