Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2016. Nguồn ảnh: AP
Trung Quốc có khả năng đánh trả bất cứ lệnh trừng phạt kinh tế nào từ phía Ấn Độ
Giới quan sát nhận định, Trung Quốc có thể trả đũa lại các biện pháp kinh tế mà Ấn Độ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Từ sau vụ đụng độ đẫm máu tại biên giới khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc nổi dậy trong khắp Ấn Độ, cùng với hàng loạt biện pháp kinh tế được chính quyền nước này lên kế hoạch đánh vào hàng Trung Quốc.
Trong lễ tưởng niệm các binh sĩ thiệt mạng, Thủ tướng Ấn Độ, ông Narenda Modi đã khuyến khích toàn dân sử dụng hàng nội địa. Ông chia sẻ: “Một Ấn Độ tự chủ là sự vinh danh chân thật và sâu sắc nhất dành cho các chiến sĩ của chúng ta".
Tuần trước, chính quyền Ấn Độ đã yêu cầu các nhà cung cấp nêu rõ nguồn gốc xuất xứ tất cả các loại hàng hóa. Đồng thời, chính quyền nước này cũng khuyến khích nêu bật dòng chữ “sản xuất tại Ấn Độ” cho các sản phẩm nội địa.
Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, Ấn Độ đã thâm hụt thương mại 51,24 tỉ USD với Trung Quốc vào năm 2019. Ảnh: indian daily. |
Theo Thời báo Kinh tế Ấn Độ, chính quyền nước này đang xem xét kiểm tra các công ty Trung Quốc có vỏ bọc tại Đông Nam Á đang nhập hàng vào Ấn Độ.
Trung Quốc hiện tại vẫn chưa có động thái gì để phản ứng lại. Tuy nhiên, theo chuyên gia về thương mại tại Đại học quốc tế về Kinh tế và Doanh nghiệp - ông Tu Xinquan thì Trung Quốc hoàn toàn có khả năng trả đũa. “Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ chờ một thời gian trước khi đáp trả. Nếu Ấn Độ đi quá đà, Trung Quốc nhất định sẽ phản ứng, có lẽ bằng cách kiểm soát việc xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu, như dược phẩm chẳng hạn".
Nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ cũng hoãn lại kể từ lúc xảy ra đụng độ. Trong đó bao gồm dự án nhà máy xe hơi Great Wall ở tỉnh Maharashtra trị giá 500 triệu USD.
Báo chí Ấn Độ cũng đưa tin vào tuần trước rằng, hàng hóa Trung Quốc bị dừng lại để tăng cường kiểm tra tại cửa khẩu do lo ngại về đợt bùng phát COVID-19 mới tại Trung Quốc.
Ngoài ra, chính quyền Ấn Độ áp đặt thuế chống bán phá giá đối với thép từ Trung Quốc, cũng như từ Việt Nam và Hàn Quốc. Các mục tiêu về thuế quan cũng được áp dụng đối với nhôm Trung Quốc, kể cả nguồn cung từ Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Ông Adam McCarthy, Kinh tế trưởng của Công ty đầu tư và phát triển Kinh tế vùng Mekong có trụ sở tại Hà Nội cho biết, các hành động thương mại của Ấn Độ là nhằm vào Bắc Kinh. Nhưng đây cũng là một phần mở rộng của chính sách thương mại bảo hộ lâu đời của Ấn Độ. Chủ nghĩa bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước là lý do chính tại sao Ấn Độ bị Trung Quốc lấn át về kinh tế trong những thập kỷ gần đây.
Ấn Độ tin rằng, họ có thể trừng phạt Trung Quốc bằng cách tăng các hàng rào phi thuế quan hoặc đẩy mạnh giám sát. Tuy nhiên, những người bị tổn thương từ sự trừng phạt này lại chính là các doanh nhân và người tiêu dùng Ấn Độ.
Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, Ấn Độ đã thâm hụt thương mại 51,24 tỉ USD với Trung Quốc vào năm 2019. Số tiền đó nhiều hơn thâm hụt của cả Ả Rập Xê Út và Iraq gộp lại.
Có thể bạn quan tâm:
► Trung Quốc thông qua Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông
► Ấn Độ lo sợ Trung Quốc phá hoại hệ thống điện
Nguồn SCMP