Nguồn ảnh: PA
Trung Quốc có còn là "đại công xưởng" của thế giới?
Hội chợ thương mại lớn nhất hành tinh
Hằng năm, hơn 200.000 thương nhân từ khắp thế giới sẽ đổ về Hội chợ Quảng Châu - hội chợ thương mại lớn nhất thế giới. Năm nay vì đại dịch, hội chợ này được tổ chức hoàn toàn online trong suốt 10 ngày và kết thúc vào ngày 24.6. Dù không hề có giao dịch nào được thực hiện trực tiếp, nhưng “hội chợ ảo” này đã trở thành một sự kiện biểu dương cho sức mạnh sản xuất của Trung Quốc. Khoảng 25.000 nhà sản xuất đã thực hiện triển lãm trực tuyến, chào hàng sản phẩm của họ ngay tại nhà máy, đồng thời thực hiện các thương thảo, giao dịch qua mạng.
Các sản phẩm, dịch vụ trong hội chợ này vô cùng đa dạng. Hầu như không có một sản phẩm hay dịch vụ nào không được tìm thấy ở hội chợ, từ những vật dụng thông thường cho đến máy móc công nghiệp, hóa chất, dược phẩm...
Thành công của hội chợ ngay giữa đại dịch phản ánh rõ ràng hơn câu cửa miệng của người Quảng Châu: “Trung Quốc là công xưởng của thế giới”.
Trung Quốc sản xuất 1/3 sản lượng hàng hóa toàn cầu. Nguồn ảnh: UNSD. |
Theo dữ liệu được công bố bởi Phòng Thống kê Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc chiếm 28% sản lượng sản xuất toàn cầu trong năm 2018. Hiện tại, Trung Quốc sản xuất gần 1/3 lượng hàng hóa của thế giới, gần bằng số lượng của 3 nước Mỹ, Nhật và Đức cộng lại. Trung Quốc hiện tại có 2 ưu thế lớn trong việc duy trì sức mạnh sản xuất. Đặc biệt, điều này thể hiện rất rõ trong những tháng gần đây giữa đại dịch COVID-19.
Thứ nhất, nền công nghiệp sản xuất của Trung Quốc là không có đối thủ về độ sâu rộng. Trung Quốc sản xuất tất cả mọi thứ từ đôi vớ bình thường cho đến sản phẩm công nghệ sinh học tối tân. Tuy chi phí ngày càng tăng, nhưng Trung Quốc luôn giữ được khả năng cạnh tranh. Điều này có được là nhờ sự kết hợp của các cụm sản xuất, cơ sở hạ tầng hiện đại và các nhà máy luôn được nâng cấp.
Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vào năm 2005, giá trị của các sản phẩm Trung Quốc được cộng thêm từ bên ngoài chiếm khoảng 26,3%. Đến năm 2016, tỉ lệ này chỉ còn 16,6%. Sự sụt giảm này thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực điện tử. Có thể thấy, ngày càng nhiều các sản phẩm của Trung Quốc được sản xuất hoàn toàn ở Trung Quốc, nhất là các mặt hàng công nghệ.
Nhu cầu vật tư y tế, nhất là khẩu trang tăng vọt trong đại dịch cũng cho thấy sức mạnh sản xuất của Trung Quốc lớn như thế nào. Vào đầu tháng 2, Trung Quốc đã sản xuất 10 triệu chiếc khẩu trang một ngày, chiếm 1/2 sản lượng thế giới. Và chỉ đến cuối tháng, con số này đã tăng vọt lên gần 120 triệu chiếc một ngày. Tân Hoa Xã bình luận rằng, “Điều này không đơn thuần chỉ là sự nỗ lực phi thường, mà còn bởi Trung Quốc có một chuỗi cung ứng hoàn thiện nhất thế giới”.
Khẩu trang Trung Quốc chiếm 1/2 sản lượng thế giới. Nguồn ảnh: EPA. |
Lợi thế lớn thứ 2 của Trung Quốc là thị trường rộng lớn của nước này. Đây chính là lý do mà các công ty Mỹ không muốn chính quyền Trump đẩy mạnh “chiến tranh thương mại” với Trung Quốc. Các công ty Mỹ chỉ muốn ông Trump gây vừa đủ áp lực để giúp họ thuận lợi hơn khi hoạt động ở Trung Quốc nhưng không quá mạnh để làm mất hết cơ hội.
Bất chấp chiến tranh thương mại, các công ty trên toàn thế giới vẫn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc. Điều này thể hiện rõ khi mà hãng sản xuất xe điện số 1 thế giới Tesla vừa khánh thành đại công xưởng sản xuất xe điện ở Thượng Hải, công ty hóa chất BASF của Đức cũng vừa đầu tư 10 tỉ USD vào tổ hợp sản xuất ở miền Nam Trung Quốc.
Ngoài ra, chỉ trong vòng 18 tháng gần đây, giá trị các hợp đồng sáp nhập và mua lại của nước ngoài ở Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong vòng một thập kỷ, theo số liệu của công ty nghiên cứu Rhodium Group.
Như dự kiến, suy thoái toàn cầu đang đè nặng lên các nhà sản xuất Trung Quốc. Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 8% trong 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đang ở trong tình trạng tốt hơn so với hầu hết các nơi khác, nhờ thành công của Trung Quốc trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Kinh tế Trung Quốc là một trong số ít nền kinh tế có khả năng tăng trưởng trong năm nay. Việc nối lại hoạt động công nghiệp trước đó đã cho phép các nhà xuất khẩu giành thị phần trong khi hầu hết các quốc gia khác vẫn đang trong tình trạng đóng cửa. Tại Nhật, hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 30% tổng lượng nhập khẩu trong tháng 5. Tại châu Âu, lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đạt mức kỷ lục, chiếm 24% tổng lượng nhập khẩu trong tháng 4.
Trung Quốc hiện có 2 ưu thế lớn trong việc duy trì sức mạnh sản xuất. Đặc biệt, điều này thể hiện rất rõ trong những tháng gần đây giữa đại dịch COVID-19. Ảnh: CNBC. |
Rõ ràng, các nước đã thấy năng lực sản xuất của Trung Quốc như thế nào. Đồng thời, họ cũng nhận ra họ dễ tổn thương ra sao, khi mà Trung Quốc là nguồn cung cho hầu hết mọi nhu yếu phẩm. Điển hình là trong đại dịch, toàn thế giới đổ xô mua khẩu trang và máy thở sản xuất tại Trung Quốc.
Nhận thấy quá nhiều dây chuyền sản xuất của Mỹ đều nằm tại Trung Quốc đã thúc đẩy một số quan chức của chính quyền Trump, nổi bật là ông Peter Navarro, Cố vấn Nhà Trắng muốn xây dựng hàng rào thuế quan lên hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc. Cách đây vài năm, sự vận động quyết liệt của ông nhằm kêu gọi các công ty Mỹ đưa các dây chuyền sản xuất về lại nước Mỹ đã làm ông trở nên lập dị. Tuy nhiên, gần đây ông đã đạt được nhiều sự đồng thuận cả trong và ngoài nước.
Tháng 4 năm nay, Chính phủ Nhật đã dành 2,2 tỉ USD để hỗ trợ một số doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều quan chức của châu Âu cũng đã cảnh báo sự lệ thuộc quá mức vào Trung Quốc, nhất là các sản phẩm y tế. Ấn Độ và Đài Loan cũng đưa ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ để lôi kéo các công ty trở lại đất nước của họ.
Các biện pháp trên hầu như không có tác dụng trong thời gian trước. Tuy nhiên, hiện tại đã có nhiều nhân tố thúc đẩy các công ty rời Trung Quốc, dù thị trường mục tiêu của họ vẫn ở Trung Quốc.
Thứ nhất, Trung Quốc đang dần leo lên vị trí cao trong chuỗi giá trị và chi phí lao động tăng đã loại dần các nhà sản xuất mặt hàng giá trị thấp. Nhiều doanh nghiệp dệt may và lắp ráp hàng điện tử đã chuyển sang hoạt động ở Đông Nam Á.
Thứ 2, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm nhiều công ty trở thành “kẻ chịu trận”, buộc họ phải tìm cách rời đi. Điển hình là Apple tuy vẫn sản xuất phần lớn điện thoại của họ tại Trung Quốc nhưng do nguy cơ về mặt chính trị đã khiến Apple chuyển dần sang Ấn Độ.
Thứ 3, việc ngừng hoạt động của các nhà máy trong đại dịch, cùng với việc sản xuất của Trung Quốc gần như bị đánh sập hoàn toàn vào tháng 2, đã bộc lộ nguy cơ cho các công ty toàn cầu khi phụ thuộc quá mức vào một quốc gia.
Ông Keith Parker, đại diện Ngân hàng Thụy Sĩ UBS hé lộ một cuộc khảo sát bởi ngân hàng này cho thấy rằng, trong số 1.000 khách hàng của họ - những nhân sự chủ chốt trong các công ty đa quốc gia thì có đến 76% công ty Mỹ, 85% các công ty Nhật và Hàn Quốc. Những khách hàng này tiết lộ rằng, họ đã và đang lên kế hoạch chuyển dần cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc. Sự chuyển đổi này chắc chắn không phải xảy ra trong ngày một ngày hai nhưng sẽ dần làm mất đi sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất.
Sự thống trị của Trung Quốc đã đạt ngưỡng?
Có phải những dấu hiệu trên báo hiệu rằng sự thống trị trong sản xuất của Trung Quốc đã đạt tới ngưỡng?
Rõ ràng là cho tới thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn cho thấy sự thích nghi đánh kinh ngạc. Điều này có được nhờ vào kinh nghiệm sản xuất được củng cố vững vàng. Đồng thời, họ ngày càng cho thấy sự đổi mới về công nghệ cũng như trình độ kỹ thuật sản xuất ngày một cao. Đặc biệt sự chú trọng nhiều hơn về nghiên cứu và phát triển đã làm cho khả năng cạnh tranh của Trung Quốc ngày càng cao. Và sự thành công của Hội chợ Thương mại trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử, diễn ra giữa mùa dịch là một minh chứng rõ ràng.
Có thể bạn quan tâm:
► Châu Âu đang "đau đầu" ứng phó với việc bị Trung Quốc thâu tóm các ngành công nghiệp trọng điểm
► Kỷ nguyên của “kim loại đỏ” sau đại dịch COVID-19
Nguồn The Economist