Trung Quốc ghi nhận số lượng cá nhân giàu có đáng kể rời khỏi quốc gia. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Lam Ngọc Thứ Sáu | 21/06/2024 15:52

Trung Quốc chứng kiến làn sóng rời đi của giới triệu phú

Số lượng lớn người giàu Trung Quốc rời đi có thể gây áp lực lên nền kinh tế, vốn đang mong manh của quốc gia này.

Trung Quốc ghi nhận số lượng cá nhân giàu có đáng kể rời khỏi quốc gia vào năm ngoái, và dự kiến sẽ tiếp tục chứng kiến làn sóng di cư kỷ lục trong tương lai gần, với 15.200 người dự kiến rời khỏi vào năm 2024.

Theo báo cáo của Henley & Partners, những bất ổn về tình hình kinh tế và căng thẳng chính trị trong nước là những lý do hàng đầu khiến các triệu phú Trung Quốc lựa chọn di cư. Và Mỹ đang là điểm đến được ưa chuộng của những triệu phú sau khi rời khỏi Trung Quốc.

Năm 2023, Trung Quốc chứng kiến 13.800 triệu phú rời đi, chủ yếu lựa chọn đến Mỹ, Canada và Singapore. Những cá nhân này, được gọi tắt là HNWIs, là những người sở hữu tài sản ròng ít nhất 1 triệu USD. Mặc dù Henley & Partners không đưa ra con số chính xác về số tài sản rời khỏi cùng nhóm người di cư, nhưng theo ông Andrew Amoils, Trưởng nhóm nghiên cứu tại New World Wealth, đa số những người này sở hữu tài sản khoảng 30 triệu USD đến 1 tỉ USD.

Số lượng lớn người giàu Trung Quốc rời đi có thể gây áp lực lên nền kinh tế, vốn đang mong manh của quốc gia này. Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài đã khiến nhiều nhà phát triển lớn phá sản và làm suy giảm đáng kể tài sản quốc gia, trong khi nợ công tại các chính quyền địa phương ngày càng gia tăng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đầu năm nay đã cho biết Trung Quốc đang đối mặt với sự bất định bởi cuộc suy thoái của thị trường nhà đất. Fitch Ratings cũng đã điều chỉnh triển vọng tín dụng chủ quyền của Trung Quốc xuống mức tiêu cực vào tháng 4, tiếp sau đó là Moody's hồi tháng 12/2023.

Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, giới giàu Trung Quốc tạm dừng việc di cư và chuyển tài sản ra nước ngoài, nhưng xu hướng này nhanh chóng trở lại sau khi các hạn chế du lịch được dỡ bỏ. Tuy nhiên, báo cáo Henley & Partners không đưa ra số liệu cụ thể về số người di cư đến Mỹ, cũng như lý do vì sao lựa chọn Mỹ là điểm đến ưa thích.

Giới tư vấn di cư và phân tích cũng nhận thấy sự gia tăng đáng kể trong yêu cầu từ phía người giàu Trung Quốc, bao gồm cả nhóm giàu có và trung lưu, muốn chuyển đến Nhật Bản. “Cuộc sống tại Nhật Bản rất hấp dẫn với những công viên công cộng xanh mướt và sân golf tuyệt đẹp, cộng thêm việc Nhật Bản được xếp hạng là một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới theo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu”, ông Amoils nói.

Singapore từ lâu đã là một điểm đến thu hút người giàu Trung Quốc nhờ vào sự gần gũi về văn hóa và ngôn ngữ. Tuy nhiên, quốc gia này đã tăng cường giám sát và kiểm soát việc nhập cảnh của người giàu Trung Quốc. Gần đây, Singapore đã từ chối cho hai cá nhân Trung Quốc thành lập công ty quản lý tài sản cho nhà giàu sau một vụ bê bối rửa tiền.

Theo báo cáo, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất cho người giàu trên thế giới với thuế thu nhập bằng không, lối sống xa hoa và "thị thực vàng" cho các nhà đầu tư.

Tương tự Trung Quốc, Hồng Kông cũng chứng kiến sự rời đi của khoảng 500 triệu phú vào năm ngoái, do lo ngại về sự thu hẹp tự do dân chủ khi chính quyền trấn áp các biểu tình chính trị. Henley & Partners dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm nay.

Vương quốc Anh được dự báo là quốc gia có số lượng người di cư trong năm 2024 lớn thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc, với 9.500 triệu phú. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng dự kiến sẽ ghi nhận khoảng 1.200 cá nhân giàu có rời khỏi đất nước, trong khi con số này ở Đài Loan là 400. 

Ông Dominic Volek, Trưởng nhóm khách hàng cá nhân tại Henley & Partners, cho biết năm 2024 sẽ có khoảng 128.000 triệu phú di cư, đánh dấu một con số kỷ lục. “Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với cơn bão căng thẳng địa chính trị, bất ổn kinh tế và xáo trộn xã hội, các triệu phú đang lựa chọn di cư. Ở nhiều khía cạnh, làn sóng di cư báo hiệu một sự thay đổi sâu sắc trong bức tranh tài sản và quyền lực toàn cầu, đồng thời tạo những tác động sâu rộng đối với tương lai của các quốc gia mà họ di cư hoặc lựa chọn làm điểm đến mới”, ông nói.

Có thể bạn quan tâm:

Lãi suất cao kéo dài đang làm chậm lại nền kinh tế Mỹ

Nguồn Nikkei Asia