Trung Quốc chinh phục “Hải lộ vàng”
Vào ngày 8/8, tàu chở hàng Yong Sheng có trọng tải 14.000 tấn của Tập đoàn Cosco (Trung Quốc) đã rời cảng Dailan (Đại Liên), lên đường sang châu Âu đi ngược lên phía Bắc, qua Hành lang Đông Bắc và sẽ cập cảng Rotterdam của Hà Lan vào ngày 11.9 tới.
Hành lang Đông Bắc nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, chạy dọc theo bờ biển phía Bắc của Nga tại vùng Bắc cực, qua Alaska, đảo Greenland, Na Uy tới Rotterdam. So với tuyến đường biển truyền thống nối Á, Âu, qua Ấn Độ Dương và kênh Suez tới Bắc Âu thì hải lộ này ngắn hơn tới 40%. Các tàu bè do vậy sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian cùng nhiên liệu lại bớt nỗi lo hải tặc.
Tập đoàn Cosco gọi con đường biển mới này là “Hải lộ vàng” vì nó giúp rút ngắn thời gian đi bằng tàu từ Thượng Hải sang châu Âu từ 12 tới 15 ngày. Đối với Trung Quốc, tuyến đường biển này đúng là “vàng” vì khối Liên minh châu Âu hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ với tổng trị giá khoảng 290 tỉ euro mỗi năm.
Theo Ban Quản lý Hải lộ Bắc của Nga, cơ quan được thiết lập gần đây để quản lý khu vực này, thời gian tàu bè có thể lưu thông tại vùng biển Bắc cực hiện kéo dài từ 4 tới 6 tháng, bắt đầu từ tháng 7 tới cuối tháng 10. Tàu bè qua lại sẽ được tàu phá băng của Nga hỗ trợ. Năm nay, cơ quan này đã cấp phép cho 393 chuyến tàu đi qua đây, từ tháng 8 tới cuối tháng 10. Riêng số chuyến tàu mang quốc tịch Nga đã tăng 35% so với năm trước. Đây là một con số kỷ lục vì cả năm 2009 chỉ có vỏn vẹn 2 chuyến tàu chở hàng đi qua Hành lang Đông Bắc. Năm 2012 cũng chỉ mới có 46 chuyến.
Theo nhật báo Der Spiegel (Đức), Tổng thống Nga Vladimir Putin đang có tham vọng biến hải lộ Bắc (người Nga gọi là Hành lang Đông Bắc) thành một kênh Suez của phương Bắc. Điều đáng nói là Nga đã nói rõ là họ đang kiểm soát toàn bộ tuyến biển phía Bắc, mặc dù nhiều phần của hải lộ này đi qua vùng biển quốc tế.
Theo ước tính của Lloyd’s List, đến năm 2020, số hàng hóa được chuyên chở qua ngả này sẽ vào khoảng 15 triệu tấn. Tuy nhiên, đó chỉ là con số tương đối trong bối cảnh băng tuyết ngày càng tan nhanh hơn, mùa hè nơi đây sẽ kéo dài hơn và Trung Quốc đang rất chú trọng đến việc sử dụng hành lang này. Con đường biển này cùng với những dự án khai thác mỏ, đầu tư tại đảo Greenland là hai nguyên nhân khiến Trung Quốc nỗ lực vận động để được kết nạp làm Quan sát viên thường trực tại Hội Đồng Bắc cực. Hội đồng Bắc cực, được thành lập năm 1996, trước đây chỉ bao gồm những quốc gia có quyền lợi trực tiếp tại khu vực này như Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Iceland, Mỹ, Canada và Nga.
Tuy nhiên, Hải lộ vàng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Công tác dự báo thời tiết tại khu vực này rất là khó khăn còn các khối băng trôi trên biển và sương mù là một thách thức lớn cho các thủy thủ đoàn. Nhưng lo nhiều nhất là các tổ chức bảo vệ môi trường.
Môi trường tại Bắc cực hiện đã chịu nhiều tác động từ các dự án thăm dò và khai thác dầu khí trên biển, ngoài khơi Greenland và vùng Bắc cực thuộc Nga của các nước Nga, Mỹ, châu Âu và mới đây là Trung Quốc. Ngoài ra, còn có những công trình khai thác mỏ, đất hiếm, xây dựng cơ sở hạ tầng đang được triển khai rầm rộ trên đảo Greenland. Khi có nhiều tàu bè qua lại, lượng khí thải tăng, băng tuyết tại khu vực này sẽ càng tan nhanh hơn. Đó là chưa nói tới hiểm họa tràn dầu khi các tàu chở dầu chẳng may gặp nạn. Bất cứ sự cố nào xảy ra tại đây cũng trở thành thảm họa vì công tác cứu hộ, làm sạch môi trường… sẽ vô cùng khó khăn.
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư