Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường phát hành nợ trong khối mới nổi
Tính đến thời điểm hiện tại của năm 2014, Trung Quốc chiếm gần 1/4 tổng nợ phát hành của các tổ chức tài chính thuộc khối thị trường mới nổi, theo số liệu của Dealogic. Cùng kỳ năm 2013, con số này chỉ là 6,1%.
Cụ thể, tổng giá trị nợ mà các tổ chức tài chính Trung Quốc phát hành trên thị trường quốc tế đã tăng lên 16,9 tỷ USD so với 9,2 tỷ USD của cả năm 2013.
Đẩy mạnh phát hành nợ trên thị trường quốc tế sẽ giúp hệ thống tài chính Trung Quốc đáp ứng được những yêu cầu khắt khe hơn về vốn theo quy định Basel III.
Hiện tại, hầu hết các ngân hàng lớn của Trung Quốc đều đáp ứng được yêu cầu theo quy định Basel III với tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 tối thiểu là 9,5%. Tuy nhiên, phần lớn giới phân tích đều tin rằng, Trung Quốc cần phải huy động thêm vốn trong những năm tới.
Barclays ước tính rằng, các ngân hàng Trung Quốc có thể phải huy động 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (161 tỷ USD) trong giai đoạn từ năm 2014 - 2018 để duy trì tỷ lệ an toàn vốn hiện tại.
Nợ phát hành trên thị trường quốc tế tăng mạnh khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống tài chính Trung Quốc trên thị trường tiền tệ toàn cầu; đồng thời, cũng phản ánh sự phát triển lâu dài của hệ thống tài chính và kinh tế Trung Quốc.
Các quỹ thị trường tiền tệ - được Fitch đánh giá cao - hiện đang đầu tư 0,4% tổng tài sản vào các cơ sở tài chính Trung Quốc. Một năm trước, con số này gần như bằng 0.
Thời gian gần đây, chính phủ Trung Quốc đang tăng cường quốc tế hóa nhân dân tệ nhằm tạo chỗ đứng vững chắc trong hệ thống tài chính thế giới; đồng thời, vẫn nỗ lực giảm thiểu các tác động tiềm ẩn của dòng tiền đang chảy ồ ạt vào hệ thống.
Trong khi đó, tín dụng của Trung Quốc tăng nhanh nhất trong quý II với tổng tín dụng mới tăng lên 1,96 nghìn tỷ nhân dân tệ và hệ số cung tiền M2 tăng 14,2% trong tháng 6. Số liệu trên đã phản ánh hiệu quả của chính sách nới lỏng tín dụng mà chính quyền Trung Quốc tung ra trong nỗ lực ổn định tăng trưởng kinh tế.
Nguồn Theo DVO/ FT