Thứ Bảy | 04/08/2012 07:43

Trung Quốc chỉ trích phát biểu của ngoại trưởng Mỹ tại châu Phi

Động thái này cho thấy cuộc đấu tranh tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực châu Phi giàu tài nguyên đang rất gay gắt.
Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 3/8 đã cáo buộc chuyến thăm 6 nước châu Phi của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhằm làm suy yếu mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa Bắc Kinh và các nước châu Phi, vốn phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Tân Hoa xã cho biết chuyến đi của bà Hillary Clinton "ít nhất nhằm mục đích làm mất uy tín và hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực châu Phi".

"Nhận xét của bà Clinton có mục đích làm tăng khoảng cách mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi nhằm đạt được lợi ích riêng của Mỹ", Tân Hoa xã cho biết.

Tân Hoa xã trích lời phát biểu của bà Clinton trước các nhà lãnh đạo Senegal hôm 1/8 cho rằng Mỹ "cam kết cung cấp cho khu vực một mô hình quan hệ đối tác bền vững, làm tăng giá trị mối quan hệ giữa 2 bên".

Bà Clinton đã cảnh báo các lãnh đạo châu Phi phải hết sức cẩn thận xem xét “các dự án đầu tư nước ngoài” khi chưa được giải trình đầy đủ. Các dự án này đe dọa làm tồi tệ thêm tình trạng tham nhũng, và thiệt nhất là người dân, đặc biệt ở những quốc gia nghèo nhất.

Tân Hoa xã cho rằng tuy Mỹ không đề cập trực tiếp nhưng rõ ràng nước này đang ám chỉ đến Trung Quốc và nói thêm rằng: "Mỹ có quyền thúc đẩy quan hệ với châu Phi, nhưng châu Phi cần sự giúp đỡ thực chất hơn".

"Mỹ không khôn ngoan khi sử dụng chiến thuật thô lỗ như vậy", Tân Hoa xã nhận xét.

Một quan chức ngoại giao của Mỹ ở châu Phi ngày 3/8 phát biểu "Mỹ hoan nghênh sự tham gia của Trung Quốc ở châu Phi và có cơ hội cho cả Bắc Kinh và Washington ở khu vực này".

Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng khi quốc gia này đã đổ hàng tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực khác ở châu Phi.

Trung Quốc cho biết thương mại giữa nước này và châu Phi đã tăng gấp đôi trong 6 năm qua, đạt 114 tỷ USD vào năm 2010 và 166,3 tỷ USD vào năm ngoái. Như vậy Trung Quốc đã vượt qua Mỹ một cách ngoạn mục vì kim ngạch thương mại Mỹ và châu Phi năm 2010 chỉ có 113 tỷ USD trong khi cách đây 3 năm Mỹ còn là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi.

Tháng trước, Trung Quốc cũng cho biết sẽ cung cấp cho các nước châu Phi 20 tỷ USD và các khoản vay khác, gấp đôi cam kết năm 2009.

Mặc khác, phần lớn đầu tư của Trung Quốc cho châu Phi không kèm theo những điều kiện về chính trị như Mỹ và các nước phương Tây thường làm.

Trung Quốc cũng quan tâm đến vấn đề lao động và môi trường ở châu Phi, đặc biệt là hoạt động của các công ty do nước này điều hành. Tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-châu Phi, Trung Quốc cam kết giúp đỡ các nước châu Phi nâng cấp hoạt động của họ đề sản xuất các sản phẩm có giá trị và khuyến khích các công ty Trung Quốc hoạt động một cách có trách nhiệm ở khu vực này.

Tuy nhiên, một số quốc gia châu Phi đã công khai chỉ trích về cán cân thương mại giữa Trung Quốc và khu vực, cho rằng những mặt hàng mà Bắc Kinh gần đây cung cấp chủ yếu là nguyên liệu thô, không giống với việc cung cấp hàng hóa đã qua chế tạo như trước đây.

Tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-châu Phi ở Bắc Kinh tháng trước, tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã phát biểu "mô hình thương mại hiện tại không bền vững trong dài hạn".

Chuyến thăm châu Phi lần này của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra sau khi Chính phủ của Tổng thống Barack Obama công bố chiến lược mới đối với vùng phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi tháng 6 vừa qua. Chính sách này gồm bốn trụ cột: củng cố các định chế dân chủ; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư; thúc đẩy hòa bình và an ninh; khuyến khích phát triển.

Tờ Washington Times cho rằng, bà Clinton đang có một sứ mệnh quan trọng. Chuyến công du với trọng tâm được thông báo là thúc đẩy dân chủ, tăng trưởng kinh tế cũng như hòa bình và an ninh khu vực. Nhưng vượt lên tất cả, chuyến thăm đang thể hiện chiến lược mới của Washington nhằm tạo dựng một nền tảng bền vững ở lục địa đen và không để bị chậm chân trước các đối thủ tại châu lục giàu tài nguyên này.

Nguồn WSJ/Khampha


Sự kiện