Trung Quốc chi cho cơ sở hạ tầng nhiều hơn Mỹ và châu Âu cộng lại
Bất chấp nhu cầu cấp bách về hệ thống cơ sở hạ tầng tốt hơn, đầu tư vào lĩnh vực này tại 10 nền kinh tế chủ chốt của thế giới, kể cả Mỹ, liên tục giảm kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, theo một nghiên cứu mới đây của Viện Toàn cầu McKinsey (MGI). Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục mạnh tay chi tiền cho đường sá, cầu cống, hệ thống cống rãnh và mọi thứ cần thiết để kinh tế nước này có thể vận hành trơn tru.
“Trung Quốc đã chi nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng kinh tế so với Bắc Mỹ và Tây Âu cộng lại”, báo cáo của McKinsey ra hôm thứ Tư 15/6 cho hay.
Các nhà kinh tế học khắp nơi trên thế giới đang cho rằng giờ đây là thời điểm tuyệt vời để đầu tư vào cơ sở hạ tầng vì lãi suất đang cực thấp và kinh tế toàn cầu có thể sử dụng đòn bẩy này.
Báo cáo của MGI dẫn chứng 10 nước với mức chi cho cơ sở hạ tầng giảm tính theo GDP từ năm 2008 đến năm 2013, gồm: Mỹ, Anh, Italia, Úc, Hàn Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nga, Mexico và Arab Saudi (nghiên cứu gồm 1 nền kinh tế, nhưng liệt kê EU như một thực thể riêng biệt). Trái với xu hướng giảm đầu tư, chi cho cơ sở hạ tầng tính theo GDP lại tăng ở Nhật Bản, Đức, Pháp, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Trung Quốc.
Biểu đồ dưới đây cho thấy sức mạnh của Trung Quốc trong chi tiêu vào cơ sở hạ tầng. Các mảng màu khác nhau thể hiện những lĩnh vực cơ sở hạ tầng khác nhau, trong khi độ rộng của cột thể hiện quy mô nền kinh tế.
Trung Quốc chi cho cơ sở hạ tầng nhiều hơn Mỹ và châu Âu cộng lại. Thứ tự theo màu từ trên xuống: Sân bay, cảng, đường sắt, viễn thông, đường thủy, đường bộ, điện. |
Với tổng mức đầu tư hiện tại, Trung Quốc, Nhật Bản và Úc có thể vượt quá nhu cầu từ nay đến năm 2030, theo McKinsey.
Để đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng công, báo cáo MGI ủng hộ việc tăng phí sử dụng như phí đường cao tốc. Nhằm khuyến khích thêm đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng, MGI cho rằng cần nâng cao “sự ổn định pháp lý” và trao cho nhà đầu tư “khả năng đưa ra mức giá để có mức thu hồi vốn chấp nhận được”.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg