Thứ Hai | 29/07/2013 10:04

Trung Quốc chi 300 tỷ USD giải quyết ô nhiễm không khí

Trung Quốc vừa công bố kế hoạch 5 năm, trị giá 300 tỷ USD để giải quyết vấn nạn ô nhiễm không khí tại các thành phố trong nhiều năm qua.
Bộ môi trường Trung Quốc cho biết số tiền 300 tỷ USD trên sẽ chủ yếu được dùng để giảm thiểu mức độ ô nhiễm do quá trình tiêu thụ than trong cách ngành công nghiệp gây ra ở các khu vực thành thị. Báo cáo cũng không cung cấp chi tiết cách thức cũng như mục tiêu mà kế hoạch mong muốn đạt được.

Đầu tháng này, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết các quan chức nước này đặt mục tiêu giảm khoảng 25% lượng bụi gây ô nhiễm, hay còn gọi là PM2.5, ở các thành phố, bao gồm cả Bắc Kinh, từ năm 2012 đến 2017. Kế hoạch này đồng nghĩa nồng độ hạt PM2.5 sẽ ở mức 60 microgram/m3 vào năm 2017, con số này vẫn cao hơn nhiều lần so với giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng ở các thành phố lớn đang trở thành một trong những vấn đề nhức nhối và gây nhiều bức xúc trong xã hội nhất ở Trung Quốc. Đầu năm nay, chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp để cải thiện chất lượng không khí, bao gồm cả việc cấm các quan chức sử dụng ô tô riêng trong thành phố.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường, căn nguyên của ô nhiễm không khí ở Trung Quốc là do quá trình đốt than trong các ngành công nghiệp và trong sinh hoạt hàng ngày. Trong nhiều thập kỷ qua, than đá vẫn là nguồn nhiên liệu chính dùng để đun nấu và sưởi ấm của nhiều người Trung Quốc.

Bên cạnh đó, trong quá trình vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than và dầu mỏ để thúc đẩy tăng trưởng.

Theo báo cáo mới đây, tiêu thụ than ở Trung Quôc sẽ tiếp tục tăng bất chấp chính phủ đặt mục tiêu nâng cao sử dụng dụng các loại năng lượng phi hóa thạch lên 15% tổng mức tiêu thụ toàn quốc vào năm 2020, so với mức 10% năm 2010.

Nguồn AFP/Dân Việt


Sự kiện