Trung Quốc hiện đang tập trung thúc đẩy các ngành công nghiệp mới nổi. Ảnh: SCMP.
Trung Quốc chi 14 tỉ USD phát triển các ngành công nghiệp mới nổi
China Reform Holdings, công ty cổ phần đầu tư thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, vừa thành lập quỹ hỗ trợ với quy mô mục tiêu hơn 100 tỉ nhân dân tệ (14 tỉ USD) nhằm phát triển các ngành công nghiệp mới nổi chiến lược. China Reform Holdings thành lập vào năm 2021, và quản lý gần 860 tỉ nhân dân tệ vào năm 2022.
Được biết, đây là một phần trong nỗ lực cải cách doanh nghiệp nhà nước rộng lớn hơn, tạo động lực tăng trưởng mới của Trung Quốc.
Các ngành công nghiệp mới nổi được mô tả là "động cơ" tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Theo Uỷ ban Cải cách và Phát triển, Quỹ hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp mới nổi dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay, và hiện thu hút sự quan tâm của hơn 20 doanh nghiệp nhà nước, chính quyền địa phương và các quỹ khác. Nhóm động cơ tăng trưởng mới này bao gồm trí tuệ nhân tạo (A.I), công nghệ sinh học và vật liệu mới.
Những nỗ lực thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp mới nổi của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Mỹ hành động quyết liệt trong cuộc chiến tranh công nghệ bằng cách ban hành các quy định mới nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip tiên tiến của Mỹ, từ A.I đến chất bán dẫn và công nghệ sinh học.
Giới chức Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp tiềm năng nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội tái cấu trúc, trở nên phù hợp với chuỗi công nghiệp toàn cầu. Theo đó, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh phát triển nền kinh tế số nhằm tích hợp các lĩnh vực “thực” và “kỹ thuật số”, đồng thời hình thành năng lực sản xuất mới, nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong 3 năm trở lại đây, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã tăng cường đầu tư trung bình hơn 20% mỗi năm cho các ngành công nghiệp mới nổi chiến lược. Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp đầu tư vào những động lực tăng trưởng mới đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Trên thực tế, khi các động lực tăng trưởng cũ có chiều hướng hạ nhiệt, việc nâng cao năng suất thông qua đổi mới sáng tạo và tiếp tục phát triển công nghệ là chìa khóa cho sự tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai. Do đó, thông điệp tự lực về công nghệ và tập trung vào nội địa do chính phủ Trung Quốc phát đi phản ánh tính cấp bách trong việc cải thiện khả năng hồi phục kinh tế của nước này.
Hiện tại, nền kinh tế thứ 2 thế giới tập trung thúc đẩy các ngành công nghiệp mới nổi với 15 lĩnh vực chính, bao gồm truyền thông di động thế hệ tiếp theo, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và vật liệu mới. Mục tiêu đặt ra là tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp mới nổi chiến lược của các doanh nghiệp nhà nước trung ương lên hơn 2 điểm phần trăm trong năm 2023.
Có thể bạn quan tâm:
ASIAD-19 "giúp sức" cho Tuần lễ Vàng tại Trung Quốc
Nguồn SCMP