Trung Quốc cáo buộc tỷ phú Soros “tuyên chiến với đồng NDT”
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, tỷ phú Soros - nhà đầu tư nổi tiếng với tổng tài sản lên tới 24,5 tỷ USD - phát biểu trên kênh Bloomberg TV rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt với rất nhiều thử thách trong thời gian tới.
Tuần trước, chính quyền Trung Quốc xác nhận tăng trưởng nước này sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 25 năm qua.
Tỷ phú Soros dự báo Trung Quốc sẽ không tránh được nguy cơ “hạ cánh cứng” (một nền kinh tế chuyển rất nhanh từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp, áp sát ngưỡng suy thoái).
Ông Soros chỉ ra rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chịu áp lực lớn từ giảm phát và núi nợ khổng lồ.
Ông cũng đánh giá chính quyền Trung Quốc đã quá chần chừ, không kịp thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phụ thuộc vào xuất khẩu sang phụ thuộc vào tiêu thụ nội địa.
Những nhận định của ông Soros được đưa ra trong đúng thời điểm đồng nhân dân tệ đang lao đao do nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Đến nay Bắc Kinh đã chi hàng trăm tỷ USD để bảo vệ sự ổn định của đồng NDT.
Do đó, trước những dự báo bi quan của ông Soros, một nhà đầu tư có ảnh hưởng toàn cầu, lập tức truyền thông Trung Quốc giãy nảy. Tân Hoa xã cáo buộc ông Soros và các nhà đầu tư phương Tây có ý đồ reo rắc sự hoảng loạn để kiếm lợi.
Thời báo Hoàn Cầu cho rằng chính phương Tây làm nền kinh tế thế giới hỗn loạn. Còn Nhân Dân nhật báo chỉ trích ông Soros “công khai tuyên chiến với đồng NDT”.
Một quan chức chính phủ Trung Quốc khẳng định: “Cú đòn của Soros đánh vào đồng NDT sẽ thất bại”.
Giới quan sát nhận định phản ứng quá dữ dội của truyền thông chính thống Trung Quốc đối với ông Soros có thể dẫn tới tác dụng ngược, khiến giới đầu tư lo ngại thêm về tình trạng của nền kinh tế nước này. Và cũng không chỉ có mình ông Soros đưa ra dự báo bi quan về Trung Quốc.
Phần lớn các nhà kinh tế thế giới đều cho rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại trong năm 2016.
Các chuyên gia quốc tế cũng cho rằng Bắc Kinh tô hồng số liệu tăng trưởng kinh tế để trấn an dư luận, chức thực tế GDP Trung Quốc chỉ vào khoảng 5%.
Hồi tháng 8-2014, Trung Quốc phá giá đồng NDT một cách bất ngờ để kích thích xuất khẩu do nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn.
Động thái đó đã khiến thị trường thế giới chao đảo. Những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục kéo dài sang năm 2016, khiến các thị trường chứng khoán thế giới mất 3.000 tỷ USD trong tuần đầu tiên của năm mới.
Nguồn Tuổi trẻ