Trung Quốc: Các biện pháp kích thích đã phát huy tác dụng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm thứ Tư 1/6, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất tháng 5 của nước này đạt 50,1 điểm, bằng mức của tháng 4 và ghi nhận tháng thứ 3 liên tiếp trên mốc 50 điểm. Chỉ số này cũng cao hơn so với dự báo 49,9 điểm của 11 nhà kinh tế học trong khảo sát Wall Street Journal.
Trong khi đó, Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Caixin trong tháng 5 giảm xuống 49,2 điểm so với 49,4 điểm trong tháng 4, ghi nhận tháng giảm thứ 15 liên tiếp.
Chỉ số Caixin phản ánh tốt hơn viễn cảnh của các nhà sản xuất tư nhân quy mô nhỏ hơn trong khi chỉ số PMI chính thức mang lại cái nhìn tổng quan hơn về các công ty nhà nước, theo các nhà phân tích.
Chỉ số PMI phi sản xuất tháng 5 của Trung Quốc, cũng được công bố hôm thứ Tư 1/6, lại giảm xuống 53,1 điểm từ 53,5 điểm trong tháng 4.
Các nhà kinh tế học nhận định số liệu mới nhất cho thấy các biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa mà Bắc Kinh tung ra hồi đầu năm nay sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2016 ở 6,5%.
Ding Shuang, nhà kinh tế học tại Standard Chartered Bank, cho biết, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang dần ổn định và các chính sách sẽ vẫn mang tính hỗ trợ. Do vậy, mục tiêu 6,5% là hoàn toàn có thể đạt được. Điều mà mọi người nên lo ngại là chi phí để duy trì mức tăng trưởng này.
Theo ông Shuang, một trong những chi phí đáng quan tâm là khối nợ ngày một tăng khi Bắc Kinh mở rộng tín dụng với tốc độ nhanh hơn tăng trưởng để thúc đẩy sự ổn định kinh tế. Các ngân hàng đã cho vay ra mức kỷ lục 4,67 nghìn tỷ nhân dân tệ (709 tỷ USD) trong quý I năm nay, vượt mức cho vay vào thời điểm đáy của khủng hoảng tài chính toàn cầu ngay cả khi tăng trưởng trong quý I/2016 giảm xuống 6,7%, chậm nhất kể từ năm 2009.
Zhu Haibin, nhà kinh tế học tại JPMorgan Chase, nhận định, Trung Quốc hiện có nhiều công ty xác sống và các khoản nợ xác sống.
Tổng nợ của Trung Quốc - dẫn đầu là nợ công ty - đã tăng lên 260% GDP trong năm 2015 từ 160% năm 2007, theo ước tính của các nhà kinh tế học. Lãi của các khoản nợ doanh nghiệp Trung Quốc sẽ chiếm 60% lợi nhuận của các công ty trong năm nay, theo ước tính của ngân hàng North Square Blue Oak.
Số liệu về PMI sản xuất được công bố khi lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc đang tiếp tục đối mặt với “làn gió ngược” khi hoạt động sản xuất điện và xi măng suy yếu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, chỉ số phụ về số đơn đặt hàng mới trong tháng 5 giảm xuống 50,7 điểm từ 50,7 điểm trong tháng 4, xuất khẩu giảm xuống 50 điểm từ 50,1 điểm trong tháng 4 trong khi chỉ số sản xuất tăng nhẹ lên 52,3 điểm từ 52,2 điểm trong tháng 4.
Chi phí lao động của Công ty Chế biến Gỗ Xinxing, trụ sở tại tỉnh Sơn Đông đã tăng lên trên 65 nhân dân tệ/ngày, tăng 10% so với mức gần đây, kéo giảm biên lợi nhuận xuống 10% từ 15% trước đó, trong khi số đơn hàng trong tháng 5/2016 chỉ đạt 200 đơn so với 500 đơn hàng cùng kỳ năm ngoái, Meng Fanxin, Giám đốc điều hành, cho hay. Kết quả là công ty đã phải cho 40 công nhân nghỉ việc.
Các nhà kinh tế học cho biết, kinh tế ổn định có thể tạo điều kiện cho chính phủ Trung Quốc tiến hành cải tổ cấu trúc mạnh mẽ hơn, kể cả việc cắt giảm công suất dư thừa và thúc đẩy các nguồn lực tăng trưởng mới. Trung Quốc đã cam kết cắt giảm 10% công suất của ngành thép và than đá trong vài năm tới và giảm tổng cộng 1,8 triệu việc làm.
Nhật Trường
Nguồn WSJ