Trung Quốc: Biện pháp giải cứu thị trường đang khiến tình hình xấu hơn
Đây luôn là câu hỏi khó tại một đất nước nơi nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm đến hơn 80% giao dịch trên các sàn chứng khoán. Giờ đây, việc tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên càng khó hơn bao giờ hết.
Trước hành động can thiệp chưa từng có tiền lệ của chính phủ nhằm giải cứu thị trường có giá trị vốn hóa 6,5 nghìn tỷ USD và cổ phiếu của hơn 1.300 công ty tạm ngừng giao dịch, giới phân tích giờ đây không còn sử dụng giá cổ phiếu làm chỉ số để định giá công ty nữa.
Mặc dù mục đích của việc giải cứu là ngăn đà tuột dốc vốn đã khiến 3,2 nghìn tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường trong 3 tuần, nhưng rốt cuộc chỉ làm cho tình hình thêm xấu hơn. Giới thương nhân đổ xô bán tháo trong phiên thứ Tư 8/7 và khối ngoại cũng tháo chạy ở mức kỷ lục trong 3 ngày qua khi Chỉ số Shanghai Composite giảm đến 5,9%.
Hao Hong, chiến lược gia tại Bocom International Holdings Co ở Hong Kong, cho biết, thị trường hoàn toàn hoảng loạn và biến dạng do thay đổi quy định cuộc chơi.
Để cứu thị trường, giới chức Trung Quốc đã tạm ngừng hoạt động IPO, hạn chế tỷ lệ đặt cược giá xuống thông qua hợp đồng kỳ hạn chỉ số chứng khoán (stock-index futures), khuyến khích các hãng tài chính mua cổ phiếu và lệnh cho các công ty nhà nước phải giữ nguyên cổ phần trong các công ty niêm yết. Và có lẽ trong một nỗ lực mạnh mẽ nhất nhằm ngăn đà bán tháo, Sở giao dịch chứng khoán Trung Quốc đã cho phép ít nhất 1.331 công ty tạm ngừng giao dịch cổ phiếu.
“Điều này thật vô lý”, Tsutomu Yamada, nhà phân tích thị trường tại Kabu.com Securities Co ở Tokyo, thốt lên. “Điều này cho thấy thị trường ảo đến mức nào. Những người muốn bán vẫn sẽ muốn bán. Khi họ bắt đầu giao dịch trở lại, hãy nghĩ xem đà bán tháo sẽ ở mức nào”.
Tony Chu, nhà quản lý tiền tệ tại RS Investment Management Co ở Hong Kong, cho biết, vấn đề chính là sự can thiệp của chính phủ rõ ràng đang có kết quả tiêu cực hơn là tích cực.
Tất nhiên, Trung Quốc không phải là thị trường duy nhất có lịch sử can thiệp của nhà nước. Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, chính quyền Hong Kong đã mua vào lượng cổ phiếu trị giá 15 tỷ USD để giải cứu thị trường. Tại Mỹ, Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch (SEC) đã ban hành lệnh cấm tạm thời hoạt động bán khống đối với một số cổ phiếu trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Nader Naeimi, nhà quản lý tiền tệ tại AMP Capital Ltd ở Sydney, cho rằng, thị trường chứng khoán Trung Quốc giống như một đứa bé đang tập đi. Bố mẹ sẽ luôn đỡ đứa bé dậy mỗi khi nó ngã.
Còn Mark McFarland, kinh tế trưởng tại Coutts & Co ở Hong Kong, lại cho biết, các biện pháp hỗ trợ của chính phủ không thể thành công trong ngắn hạn vì tâm lý của nhà đầu tư vẫn quá “mong manh”.
Trong khi đó, Goldman Sachs Group Inc lại cho rằng các biện pháp hỗ trợ thị trường sẽ phát huy hiệu quả. Kinger Lau, chiến lược gia của Goldman tại Hong Kong, dự đoán Chỉ số CSI 300 sẽ tăng 27% trong 12 tháng tới khi niềm tin của giới đầu tư được cải thiện và các biện pháp nới lỏng tiền tệ sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg