Ảnh: Bloomberg.

 
Thảo Nhi Thứ Năm | 31/10/2019 21:42

Trung Quốc bi quan về khả năng đạt một thỏa thuận thương mại lâu dài với ông Trump

Bloomberg trích nguồn thạo tin cho biết, các quan chức Trung Quốc đã cảnh báo rằng họ sẽ không lùi bước trước những vấn đề nhức nhối nhất...

Các quan chức Trung Quốc đang đặt nghi vấn về việc đạt được thỏa thuận thương mại lâu dài toàn diện với nước Mỹ, ngay cả khi hai bên đang sắp ký được thỏa thuận “giai đoạn 1”.

Bloomberg trích nguồn thạo tin cho biết, các quan chức Trung Quốc đã cảnh báo rằng họ sẽ không lùi bước trước những vấn đề nhức nhối nhất. Họ vẫn quan ngại về tính bốc đồng của Tổng thống Donald Trump và nguy cơ ông có thể rút lui, ngay cả khi hai phía đều nói muốn ký thỏa thuận này trong những tuần tới.

Những nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang tập trung tại Bắc Kinh để tham dự cuộc họp chính trị quan trọng, vốn sẽ có kết quả vào ngày 31/10. Trong những cuộc họp trước phiên họp toàn thể này, một số quan chức đã không mấy kỳ vọng về việc những cuộc đàm phán trong tương lai có thể đạt kết quả ý nghĩa – trừ khi nước Mỹ sẵn sàng bãi bỏ thuế quan nhiều hơn.

Vào ngày 30/10, Tổng thống Sebastian Pinera của Chile, lại tạo ra thêm một rào cản khi thông báo rằng Chile sẽ hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương vào 16-17/11 – vốn là nơi ông Trump và ông Tập Cận Bình hy vọng sẽ gặp nhau – vì bất ổn xã hội tại quốc gia này.

Vào ngày 30/10, một đại diện Nhà Trắng cho biết chính quyền vẫn cam kết “hoàn thiện Giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại mang tính lịch sử với Trung Quốc”.

Bước đầu tiên, theo chính quyền của ông Trump, là đạt được một thỏa thuận toàn diện, liên quan đến cải cách kinh tế đáng kể hơn so với những gì có trong giai đoạn đầu. Nhưng các quan chức Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ, cho biết điều này sẽ buộc nước Mỹ từ bỏ thuế quan áp lên các hàng hóa nhập khẩu trị giá 360 tỷ USD từ Trung Quốc – một điều mà nhiều người không nghĩ ông Trump sẵn sàng làm.

Một số nguồn tin thân cận cho biết rằng với Trung Quốc, việc bãi bỏ thuế qua không nhất thiết phải thực hiện ngay lập tức, nhưng chúng phải là một phần của bước tiếp theo. Trung Quốc cũng muốn ông Trump hủy bỏ thuế nhập khẩu mới sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12 lên một số sản phẩm yêu thích của người tiêu dùng Mỹ, như điện thoại thông minh và đồ chơi, vốn là một phần của thỏa thuận giai đoạn 1.

Bắc Kinh sẵn sàng tiếp tục đàm phán sau giai đoạn đầu tiên, nhưng cả hai bên đều nhận ra rằng sẽ rất khó khăn để đạt được một thỏa thuận cải cách cơ cấu sâu sắc mà nước Mỹ đang tiến đến.

Áp lực thuế quan

Đến nay, Đại diện Thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer và nhóm của mình, đã tuyên bố rằng thuế quan đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ được duy trì trong một thời gian dài như một cách để thực hiện các cam kết mà Trung Quốc đưa ra.

Những câu hỏi về tương lai của các cuộc đàm phán phản ánh một sự thay đối trong chiến lược của Mỹ. Sau khi tăng thuế quan và gia tăng áp lực lên Trung Quốc trong mùa hè và tuyên bố họ sẽ chỉ đồng ý một thỏa thuận toàn diện, ông Trump vào đầu tháng 10 đã chuyển sang cách tiếp cận từng bước.

Giai đoạn đầu tiên, mà các nhà đàm phán vẫn đang cố gắng thỏa thuận, sẽ bao gồm việc Trung Quốc tiếp tục mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và những sản phẩm khác như máy bay.

Thỏa thuận cũng dự kiến sẽ bao gồm các cam kết của Trung Quốc về việc bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ và một thỏa thuận từ cả hai phía về việc không thao túng tiền tệ của mình. Đổi lại, ông Trump đồng ý không tiến hành việc tăng thuế vào ngày 15/10 và tăng khả năng hủy việc áp thuế quan vào ngày 15/12.

Nhưng thỏa thuận này không có những cam kết về cải cách kinh tế sâu sắc hơn, như những thay đổi chế độ trợ cấp của chính phủ Trung Quốc cho các công ty của mình.

Ông Trump đã tìm cách tránh những lời chỉ trích rằng những gì nước Mỹ đạt được trong thỏa thuận giai đoạn 1 là rất ít, bằng cách lập luận rằng những vấn đề khó khăn hơn sẽ được giải quyết trong những giai đoạn sắp tới. Vào tháng 10, ông chia sẻ với truyền thông: “Chúng tôi sẽ bắt đầu đàm phán gần như ngay lập tức giai đoạn 2 sau khi chúng tôi kết thúc giai đoạn 1.”

“Ngay cả khi họ đạt được giai đoạn 1, một giai đoạn 2 sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì tất cả những vấn đề thật sự khó khăn đang bị trì hoãn,” theo ông Eswar Prasad, người từng dẫn dắt nhóm chuyên về Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế và hiện làm việc tại Đại học Cornell.

Trong những cuộc đối thoại gần đây với các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Trung Quốc, ông Prasad cho biết tâm trạng chung của họ là sự nghi ngờ. Ông cho biết: “Họ khá bi quan. Họ sợ rằng bất kỳ thỏa thuận nào mà họ đàm phán với ông Trump đều có thể phủ nhận”.

Hướng đi tích cực

Ông Trump tuyên bố trước cánh nhà báo rằng có ít nhất là ba giai đoạn thỏa thuận trong khi ông Lưu từ chối cho biết thêm chi tiết.

Ông Lưu chia sẻ với phóng viên: “Chúng tôi đồng thuận rằng việc đạt được mối quan hệ kinh tế Trung - Mỹ một cách đúng đắn là điều tốt cho cả Trung Quốc và Mỹ, và với cả thế giới và chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ theo hướng tích cực.”

Ông Zhou Xiaoming, một cựu quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: “Nếu nước Mỹ yêu cầu quá nhiều, chẳng hạn như kiên quyết đòi những thay đổi về cơ cấu, vốn sẽ thay đổi mô hình kinh tế Trung Quốc, thì thỏa thuận toàn diện không thể được hoàn thành trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Ngoài ra, Trung Quốc muốn có một thỏa thuận càng nhanh càng tốt. Mặc dù một thỏa thuận toàn diện sẽ bao gồm việc loại bỏ tất cả các thuế quan trừng phạt.”

Đây là điều mà chính quyền ông Trump vẫn chưa sẵn sàng đề nghị. Ông Prasad cho biết: “Đây rõ ràng không phải là một cuộc họp với tinh chất tâm ý tương thông.”