Trung Quốc bất ngờ hoãn xét xử Chu Vĩnh Khang
Báo Hong Kong SCMP hôm nay cho rằng rất có thể do Chu Vĩnh Khang đã phản cung, phủ nhận lời khai trước đó, khiến phiên xét xử vốn dự định diễn ra và cuối tháng 4 bị hoãn.
Một luật sư giàu kinh nghiệm ở Hong Kong cho biết, "theo thông lệ, những vụ án liên quan đến quan chức cấp cao đều xét xử theo kế hoạch định sẵn, đa số tội phạm sẽ nhận tội trước khi mở phiên tòa xét xử. Ở phiên tòa, cho dù có phản cung, cũng không có giá trị."
Hồi đầu tháng 4, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thành phố Thiên Tân tuyên bố sẽ xét xử công khai vụ án Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cựu bộ trưởng công an. Theo đó, Chu bị buộc tội nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực, tiết lộ bí mật quốc gia. Ở Trung Quốc, án phạt cao nhất cho tội hối lộ là tử hình, và 7 năm tù giam đối với hai tội danh kia.
"Rất có thể Chu Vĩnh Khang cho rằng, nếu như ông ta phải chết, người khác cũng sẽ không thể sống sót," Chương Lập Phàm, nhà bình luận chính trị ở Bắc Kinh nói. Ông nhận định Chu Vĩnh Khang đã phản cung vì muốn kéo theo những người liên quan vẫn đang được ở ngoài vòng pháp luật.
Mới đây, cựu phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành đã thừa nhận tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực trước tòa. Công tố viên tuyên bố, dưới sự chỉ đạo của Chu Vĩnh Khang, Lý Xuân Thành đã vi phạm pháp luật, giúp đỡ người khác để mưu lợi bất chính. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện xét xử của tòa án công bố trước công chúng, xuất hiện tên Chu Vĩnh Khang.
Năm 2013, trong phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, tên của Chu cũng được nhắc đến một cách gián tiếp. Theo đó, Bạc khai rằng, mình nhận được lệnh từ một ủy viên ban chấp hành trung ương, che giấu vụ Vương Lập Quân, giám đốc công an Trùng Khánh khi đó, trốn vào lãnh sự quán Mỹ.
Chu Vĩnh Khang lúc đó là bí thư ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương, trực thuộc Ủy ban trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, giám sát toàn bộ các cơ quan thực thi pháp luật bao gồm cả lực lượng cảnh sát.
Chu là nhân vật cấp cao nhất "ngã ngựa" trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tháng 7/2014, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) tuyên bố điều tra Chu. Tháng 12/2014, Chu chính thức bị bắt giữ.
Năm 2014, Trung Quốc đã xử lý hơn 70.000 quan chức vi phạm kỷ luật đảng. Đây được cho là nỗ lực làm trong sạch nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc. Ông Tập tuyên bố sẽ hành động quyết liệt để bài trừ tham nhũng, đả cả "hổ" lẫn "ruồi", những quan cấp cao và cấp thấp trong chính quyền Trung Quốc.
Nguồn VnExpress