Trung Quốc bắt đầu xây kênh đào xuyên đại dương cạnh tranh với Panama
Ngày 22/12, Tập đoàn của Hong Kong (Trung Quốc) bắt đầu triển khai dự án xây kênh đào Nicaragua bất chấp sự phản đối của người dân địa phương và chuyên viên môi trường.
Nhà đầu tư và nhà thầu - công ty đầu tư phát triển kênh đào Hong Kong - Nicaragua Canal (HKNCDI) cam kết, việc xây dựng con kênh này sẽ không gây thiệt hại cho môi trường và ngành du lịch. Trong khi đó, phía Nga cho biết, phái đoàn doanh nhân Nga sẽ đến Nicaragua để đánh giá tính khả thi của việc tham gia vào dự án với sự ủng hộ, khuyến khích của Tổng thống Vladimir Putin bất chấp khó khăn chung của nền kinh tế.
Theo các nguồn tin ngoại giao, Nga có ý định giành sự hỗ trợ quân sự và chính trị cho công trình này. Tức là, đảm bảo sự an toàn của công trình và bảo vệ khỏi những hành động khiêu khích có thể. Để đảm bảo sự hỗ trợ này, Nicaragua cho phép các tàu chiến và máy bay của Nga tuần tra đường biên giới trên bờ Thái Bình Dương và ở vùng biển Caribe. Đầu tháng 12, Matxcơva đã phê duyệt thỏa thuận với Managua về đơn giản hóa thủ tục các tàu chiến Nga tiếp cận các cảng của Nicaragua. Vào nửa đầu năm 2015, Nga có thể bắt đầu thực hiện nhiệm vụ này.
Kênh đào nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương là dự án nhằm cạnh tranh với kênh đào Panama do Mỹ kiểm soát. Nếu trước đây dự án được ước tính khoảng 40 tỷ USD, thì giờ đây vọt lên khoảng 50 tỷ USD. HKNCDI được phép đầu tư nhượng quyền và khai thác kênh đào trong 100 năm tới.
Giới chức Nicaragua cho rằng, kênh này sẽ tạo động lực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương lo ngại rằng do thu hồi đất để xây dựng công trình này, họ phải rời bỏ nhà cửa của mình mà chỉ nhận được đền bù ít ỏi. Ngay trước lễ khởi công xây dựng kênh đào, người dân bản địa đã tổ chức một cuộc biểu tình tại thủ đô Managua. Hàng trăm người biểu tình đã phản đối sự hiện diện của những người Trung Quốc tại Nicaragua. Theo họ, điều này sẽ tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế.
Mỹ kiểm soát eo biển Malacca, Singapore, Gibraltar, các kênh Suez và Panama. Vì vậy, các chuyên gia coi dự án xây dựng kênh đào Nicaragua như một thách thức trực tiếp với Mỹ. Rõ ràng, đường thủy mới từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương sẽ thay đổi tình hình chính trị và kinh tế thế giới có lợi cho những người kiểm soát kênh đào mới.
Nguồn DVO