Trung Quốc bãi bỏ chính sách 1 con: Liệu có dẫn tới bùng nổ dân số?
Trong ngày hôm nay 29/10, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đồng loạt thông báo tin chính phủ hủy bỏ chính sách quy định mỗi gia đình chỉ được có một con. Chính sách này vốn được đưa ra vào cuối thập niên 1970 để ngăn chặn tình trạng bùng nổ dân số tại nước này.
Như vậy, sau hơn ba thập kỷ duy trì chính sách này, đây là lần đầu tiên Trung Quốc cho phép các gia đình được phép sinh hai con. Chính sách này được kỳ vọng là sẽ góp phần gia tăng thêm 2 triệu trẻ sơ sinh mỗi năm.
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc thay đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình này sẽ không có ảnh hưởng đáng kể lên tốc độ gia tăng dân số của Trung Quốc, do các gia đình trẻ ngày nay rất lo lắng về chi phí nuôi con. Trước đây, khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu thử nới lỏng chính sách 1 con vào cuối năm 2013, chỉ có 10% số gia đình hợp lệ đã nộp đơn xin phép có con thứ 2.
Giáo sư Stuart Gietel-Basten của Đại học Oxford nhận định: "Trong ngắn hạn thì sẽ có một sự bùng nổ dân số nho nhỏ ở các tỉnh nghèo như Tứ Xuyên, vốn từ lâu đã được kiểm soát rất nghiêm ngặt. Nhưng xét về dài hạn thì tôi nghĩ là sẽ không có khác biệt gì nhiều".
Việc thay đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình cũng được xem là một phần trong kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế và lao động của chủ tịch Tập Cận Bình.
Kể từ khi áp dụng chính sách một con cách đây 36 năm cho đến nay, Trung Quốc đang phải đối mặt với cơ cấu dân số già. Mới đây, lượng dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc lần đầu tiên sụt giảm trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây. Vì thế, nhiều người lo ngại Trung Quốc có nhiều khả năng đang lặp lại lịch sử của Nhật Bản vào cuối những năm 1990.
Từ năm 2012, lực lượng lao động của Trung Quốc đã bắt đầu thu hẹp. Đến năm 2050, theo tính toán của Viện Kinh tế Peterson, Trung Quốc sẽ phải đối diện với tình hình là cứ 1 người về hưu thì chỉ có 1,6 người lao động.
Trước thông tin Chính phủ Trung Quốc thay đổi chính sách dân số này, thị trường chứng khoán đã có những tín hiệu tích cực. Giá cổ phiếu của một trong những nhà sản xuất sữa bột trẻ em lớn nhất thế giới là Danone đã tăng trên 3%, mức giá cao nhất kể từ tháng 4 cho đến nay.
Theo những số liệu ước tính, mỗi năm Trung Quốc hiện đang chi tiêu 19 tỷ USD vào thực phẩm dành cho trẻ em. Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor cho biết , doanh số đến từ thị trường sản phẩm dành cho trẻ em tại nước này đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua.
Đinh Hạnh
Nguồn Bloomberg / The Guardian