Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang gấp rút tuân thủ các mục tiêu phát thải của Bắc Kinh. Do đó, họ đã hạn chế sản xuất nhiệt điện than. Ảnh: Bloomberg.

 
Minh Duy Thứ Hai | 11/10/2021 17:05

Trung Quốc, Ấn Độ thiếu than ảnh hưởng sao đến kinh tế thế giới?

Hai nền kinh tế lớn của châu Á rơi vào khủng hoảng thiếu than trầm trọng đang ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng kinh tế thế giới.

Khi nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên, than đá và các nguồn năng lượng khác không đáp ứng đủ nhu cầu, nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng năng lượng.

Theo Financial Times, tình trạng thiếu điện trầm trọng ở Trung Quốc và Ấn Độ đang gây ảnh hưởng xấu đến triển vọng kinh tế châu Á, đồng thời dấy lên nguy cơ áp lực lạm phát gia tăng trên toàn khu vực này.

Một số chuyên gia kinh tế hàng đầu Trung Quốc dự đoán tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chậm lại đáng kể trong những tháng tới do việc thiếu điện ảnh hưởng đến sản lượng công nghiệp và cuộc suy thoái của lĩnh vực bất động sản.

“Chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong quý IV xuống 3,6% từ 5% và với năm 2022 giảm xuống 5,4% từ 5,8%. Việc hạ dự báo diễn ra dù chúng tôi kỳ vọng chính phủ sẽ thay đổi chính sách kinh tế trong 3 tháng cuối năm nay để hỗ trợ tăng trưởng”, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế châu Á Louis Kuijs tại Oxford Economics nói.

Một số nhà máy ở Trung Quốc đã phải đóng cửa do gián đoạn nguồn điện liên quan đến nguồn cung than. Ảnh: Reuters.
Một số nhà máy ở Trung Quốc đã phải đóng cửa do gián đoạn nguồn điện liên quan đến nguồn cung than. Ảnh: Reuters.

Giám đốc Andrew Batson tại công ty nghiên cứu Gavekal cũng cho biết: “Tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại trong những tháng tới do cuộc suy thoái trong lĩnh vực bất động sản ngày càng nghiêm trọng và tình trạng thiếu điện lan rộng”. Tuy nhiên, ông dự đoán kinh tế vẫn được hỗ trợ bởi xuất khẩu mạnh mẽ và đầu tư vốn ổn định.

Theo chuyên gia Miao Ouyang và Helen Qiao tại Bank of America, Trung Quốc bị giảm sản lượng công nghiệp trong tháng 9 do sản lượng của các ngành thâm dụng năng lượng bị cắt giảm mạnh. Họ cũng cho rằng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội sẽ bị ảnh hưởng.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đóng góp tỉ trọng lớn vào tăng trưởng GDP toàn cầu và IMF dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 8,1% trong năm nay, còn kinh tế Ấn Độ dự báo tăng trưởng ở mức 9,5%.

Dự báo dài hạn của IMF cho rằng trong giai đoạn 2019 – 2024, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ lần lượt đóng góp 28% và 15% vào tăng trưởng GDP toàn cầu. Nói cách khác, họ là hai động lực tăng trưởng lớn nhất của thế giới với Mỹ đứng ở vị trí thứ 3.

Các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tạo ra 66% điện năng của Ấn Độ. Ảnh: AFP.
Các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tạo ra 66% điện năng của Ấn Độ. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, Ấn Độ cũng đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu than trầm trọng, bởi đây là vật liệu quan trọng để tạo ra điện, nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Tính đến ngày 3/10, 135 nhà máy nhiệt điện của Ấn Độ chỉ còn đủ than cho 4 ngày, giảm từ 13 ngày tính tới ngày 1/8. Chính phủ Ấn Độ cho biết sản lượng than của tập đoàn quốc doanh Coal India đang tăng dần lên sau khi sản xuất bị trì trệ vì mùa mưa.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo việc cắt điện trên diện rộng có thể gây tổn hại đến tăng trưởng dù sản lượng công nghiệp của Ấn Độ đã trở về mức trước đại dịch. Quốc gia này cũng đang chuẩn bị cho mùa lễ hội hàng năm, thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh.

“Đây không phải là một tình huống vui vẻ gì cho lắm. Sau làn sóng COVID-19 thứ hai, nền kinh tế bắt đầu bình thường hóa và tốc độ tăng trưởng phục hồi. Nếu ở thời điểm này, đất nước rơi vào tình trạng thiếu điện, tôi e rằng nó sẽ có tác động rất lớn đến tăng trưởng”, chuyên gia kinh tế Sunil Kumar Sinha tại India Ratings & Research cho biết.

Khoảng 66% tổng sản lượng điện của Ấn Độ đến từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, tăng từ 62% vào năm 2019. Sản lượng điện từ thủy điện, khí đốt và hạt nhân giảm do mưa thất thường, giá và chi phí bảo trì tại các nhà máy điện hạt nhân cao.

Ông Sinha cho rằng trừ khi chính phủ phân bổ hiệu quả nguồn cung than hạn hẹp hiện nay, Ấn Độ mới có thể đối phó được những vấn đề tương tự như Trung Quốc, nơi mà các ngành công nghiệp buộc phải đóng cửa hoặc dựa vào nguồn điện thay thế đắt tiền hơn.

Dựa vào nguyên nhân của tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc, một giải pháp nhanh chóng là điều khó có thể xảy ra. Theo Alicia García Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis, cuộc khủng hoảng này là kết quả của ba yếu tố.

Thứ nhất, chính quyền các địa phương đang gấp rút hoàn thành mục tiêu phát thải của Bắc Kinh, do đó đã hạn chế sản xuất của nhiệt điện than. Thứ hai, nguồn cung cấp than bị thiếu hụt khi đất nước chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Thứ ba, việc áp trần giá điện có nghĩa là nhu cầu không bị ảnh hưởng bởi việc giá than và các nguyên liệu đầu vào khác tăng.

Tất cả yếu tố này đang gây áp lực lớn lên Bắc Kinh trong việc thả nổi giá điện, một động thái mặt khác làm tăng nguy cơ lạm phát lên cao. Michael Gill, giám đốc khu vực châu Á tại công ty tư vấn Dragoman, nói: “Chính sách hiện nay khiến quá nhiều nhà sản xuất điện phải đóng cửa để tránh thiệt hại về tài chính. Quyền tự do định giá sẽ khắc phục được điều đó”.

Trung Quốc dường như đang áp dụng một cách tiếp cận dần dần để tăng giá điện. Ví dụ, ở tỉnh Quảng Đông, chính quyền áp dụng chính sách tăng 25% với giá điện trong tháng này nhưng chỉ áp dụng vào giờ cao điểm và với những đối tượng trong ngành công nghiệp, không có các hộ gia đình. Các nhà phân tích cho rằng một số tỉnh khác cũng có thể làm theo.

Cách tiếp cận như vậy nhằm mục đích “hạ nhiệt” lạm phát tiêu dùng ngay cả khi giá sản xuất, tính cả giá than, kim loại và các mặt hàng khác, tăng cao hơn. Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc tăng 9,5% trong tháng 8 và các nhà kinh tế của Bank of America dự đoán nó sẽ tăng lên 10,5% trong tháng 9.

Ngược lại, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng hơn 0,8% trong tháng 8 và Bank of America dự báo nó có thể giảm xuống 0,6% vào tháng 9.

Cuộc chiến về áp lực giá là rất quan trọng. Nếu áp lực lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát, Bắc Kinh có thể buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ, gây ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trong những tháng tới.

Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc Ting Lu tại Nomura cho biết: “Tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Các thị trường trên thế giới sẽ cảm thấy thiếu hụt nguồn cung mọi thứ, từ hàng dệt may, đồ chơi đến các bộ phận máy móc… và rất có thể dẫn đến tình trạng thiếu hàng cho Lễ Tạ ơn và Giáng sinh”.

Có thể bạn quan tâm:

Tại sao Trung Quốc rơi vào khủng hoảng thiếu điện trầm trọng?