Trung Quốc - Ấn Độ chạy đua vũ trang trên "mái nhà thế giới"
Còn Ấn Độ thì đang thực hiện kế hoạch 10 năm nhằm cân bằng lực lượng với Trung Quốc. Tại bang Arunachal Pradesh ở khu vực này, bộ binh Ấn Độ đã tiến hành các cuộc tuần tra biên giới từ tháng 5 và nước này sẽ điều thêm 60.000 quân cho 120.000 trước đó đã được triển khai ở đây. Ấn Độ cũng thành lập 2 phi đội Sukhoi 30 và sẽ điều tên lửa hành trình Brahmos đến khu vực này.
"Nếu Trung Quốc có thể tăng cường năng lực quân sự ở bên kia thì chúng ta cũng có thể tăng cường quân lực của mình ở phần đất của mình", Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ phát biểu trước quốc hội nước này.
Tuy nhiên, các phóng viên của hãng tin Reuters sau khi đến bang này của Ấn Độ nhận định rằng nước này còn tụt hậu so với Trung Quốc về cơ sở hạ tầng.
Ấn Độ và Trung Quốc đã từng đối đầu nhau tại khu vực này trong cuộc chiến tranh biên giới vào năm 1962 và bản đồ của Trung Quốc vẫn nhận toàn bộ bang Arunachal Pradesh thuộc về Trung Quốc.
Việc hai nước duy trì tình hình khu vực này ra sao sẽ cho thấy hai người khổng lồ châu Á có thể cùng nhau vươn lên một cách hòa bình hay không.
Tuy nhiên, khi Mỹ đưa Ấn Độ vào chiến lược lấy châu Á làm trung tâm của mình, có khả năng sự đối đầu về lợi ích giữa Ấn Đô và Trung Quốc sẽ gia tăng.
"Với tình hình khu vực tự trị Tây Tạng diễn biến như hiện này và việc cơ sở hạ tầng được nâng cấp đáng kể, Trung Quốc đã đạt được một năng lực nhất định. Và có thể nói vào thời điểm nào đó, nếu vấn đề này không được giải quyết ổn thỏa thì sẽ xuất hiện nhiều khó khăn", cựu tư lệnh quân đội Ấn Độ, Tướng V.K. Singh nhận xét.
Trong khi đó các nhà phân tích và các nhà làm chính sách Ấn Độ lại đi xa hơn khi nhận định tình hình biên giới Trung - Ấn trong bản báo cáo công bố năm nay. Các tác giả cho rằng Ấn Độ không thể "loại bỏ hoàn toàn khả năng có xung đột quân sự tại bang Arunachal Pradesh", và gợi ý rằng New Delhi nên chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh nếu bị tấn công.
"Chúng tôi cảm thấy rất rõ rằng cần phải phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng biên giới và gắn bó hơn nữa với các cộng đồng dân cư ở khu vực đó, tiến hành các bước phát triển và để ngỏ phương án đáp trả lại bất kỳ hành động xâm phạm biên giới nào nếu căng thẳng leo thang", Rajiv Kumar, một trong các tác giả của bản báo cáo, trả lời trong một cuộc phỏng vấn.
Truyền thông Ấn Độ vẫn thường cảnh báo về các âm mưu của Trung Quốc và quân đội hai nước đều tiến hành tập trận ở khu vực gần biên giới.
Tháng 3 vừa qua, khi bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đang ở thăm New Delhi, không quân và quân đội Ấn Độ đã tiến hành một cuộc tập trận có tên gọi "sự hủy diệt" tại các ngọn núi ở Arunachal.
Ba tuần sau, Trung Quốc cho biết các máy bay chiến đấu J-10 của nước này đã ném bom dẫn đường laser trên cáo nguyên Tây Tạng trong một cuộc tập trận tấn công trên bộ.
Tuy nhiên một số nhà làm chính sách lại loại bỏ khả năng đối đầu Trung - Ấn tại Arunachal.
Do hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân nên khả năng chiến tranh toàn diện bị loại trừ. Ngoài ra, địa hình hiểm trở ở khu vực này cũng khiến một cuộc chiến tranh kiểu truyền thống khó có thể thực hiện.
Hai bên cũng lập đường dây nóng về quốc phòng và các quan chức cấp cao hai nước cũng thường xuyên đối thoại với một số cuộc nhóm họp tại khu vực biên giới để giảm căng thẳng.
Quan hệ thương mại giữa hai quốc gia, tới năm 2011 đã đạt tới 74 tỷ đô la, cũng là mối ràng buộc lớn với hai người khổng lồ này.
Về phía Trung Quốc, tranh chấp biên giới với Ấn Độ không phải là vấn đề được ưu tiên so với các cuộc tranh chấp biên giới hay mối quan tâm khác về quân sự, ví dụ như vấn đề Đài Loan.
Hu Shisheng, một chuyên gia về quan hệ Trung - Ấn thuộc Học viện quan hệ quốc tế đương đại của Trung Quốc, cho rằng truyền thông Ấn Độ vẫn nhận định rằng mối đe dọa từ Trung Quốc là rất lớn. Tuy nhiên, ông cho biết thực tế là trong nội bộ quân đội Trung Quốc, bất kỳ ý kiến nào đề xuất chiếm lấy khu vực này đều là những tiếng nói yếu ớt.
"Quân đội Trung Quốc có thể dùng vũ lực để chiếm được vùng lãnh thổ này nhưng duy trì sự kiểm soát lâu dài lại là điều đặc biệt khó khăn", ông Hu nói, ám chỉ về điều kiện địa hình khắc nghiệt ở nơi đây.
Nhưng theo các chuyên gia về an ninh, do hai quốc gia vẫn đang tiến hành hiện đại hóa hải quân ở quy mô lớn và xung đột nhau về lợi ích tại Nam Á và Biển Đông, ngọn lửa tranh chấp vẫn có thể âm ỉ cháy và bùng phát.
Một số quan chức chính quyền Trung Quốc lo ngại rằng Ấn Độ sẽ trở thành một phần trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ. Mỹ đã bán lượng vũ khí trị giá 8 tỷ đô la cho Ấn Độ và trong 10 năm qua Ấn Độ đã chi 100 tỷ đô là để hiện đại hóa quân đội của mình.
Tướng J.J. Singh, cựu tư lệnh quân đội Ấn Độ và là người dành phần lớn thời gian xây dựng sự nghiệp tại vùng Arunachal, cho biết cả Ấn Độ và Trung Quốc đều nhận thấy rằng "có đủ chỗ và không gian để cả hai cùng phát triển. Cả hai phía đều có cách tiếp cận chín chắn và thực dụng về vấn đề này".
Nhưng bất chấp 15 vòng đàm phán cấp cao, vấn đề biên giới Trung - Ấn vẫn bế tắc.
Truyền thông Ấn Độ vẫn đưa ra công khai chỉ trích những lầm xâm phạm của Trung Quốc tại vùng biên giới mặc dù chính phủ hai nước đều phủ nhận hành động của Trung Quốc là xâm phạm và giải thích đó là do những cách hiểu khác nhau về vị trí của đường biên giới. Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ báo cáo với quốc hội nước này rằng trong 2 năm vừa qua quân đội nước này nhận được báo cáo về 500 vụ xâm phạm của Trung Quốc.
Trong những năm vừa qua, Ấn Độ vẫn nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng tại khu vực này, tuy nhiên những tiến bộ của nước này là rất chậm chạp và cho đến nay vẫn chưa thể so sánh với phía Trung Quốc. Vì thế, Ấn Độ tập trung vào việc duy trì binh sĩ đóng quân ở sát biên giới và tăng cường năng lực chiến đấu của quân đội.
Hai quốc gia khó có khả năng có chiến tranh nhưng hiện tại không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường năng lực quân đội tại vùng biên giới .
Về các cuộc thương lượng giữa hai nước về vấn đề biên giới, một quan chức Ấn Độ phát biểu rằng: "chúng tôi sẵn sàng thỏa hiệp, nhưng chỉ đến giới hạn nào đó mà thôi".
Nguồn Infonet