Trump sẽ dùng tới các thủ thuật “làm đẹp” ngân sách Mỹ?
Trong các lời hứa hẹn của mình, ông Donald Trump đã cam kết vừa dành ra 500 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng, vừa cắt giảm hàng loạt khoản thuế, đặc biệt là thuế cho người giàu.
Theo phân tích của Trung tâm Chính sách Thuế (Tax Policy Center), kế hoạch này có thể gây gia tăng bất bình đẳng thu nhập, và làm giảm nguồn thu ngân sách chính phủ. Cơ quan này cho rằng: “Tuy kế hoạch giảm thuế của ông Trump sẽ có lợi cho mọi tầng lớp thu nhập, nhưng phần lớn lợi ích lại là về tay những người có thu nhập cao nhất. Nó cũng sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách đến 9.500 tỷ USD trong 10 năm sắp tới, và đó là còn chưa tính đến các ảnh hưởng khác lên nền kinh tế. Kế hoạch này sẽ tạo động lực cho người dân làm việc, tiết kiệm và đầu tư. Tuy nhiên, nếu không kết hợp với việc cắt giảm chi tiêu mạnh tay, nó sẽ dẫn tới viễn cảnh nợ quốc gia đạt mức 80% GDP vào năm 2036, và vô hiệu hóa các tác dụng tích cực của việc giảm thuế.”
Nếu nhìn vào Lưỡng viện quốc hội đang được kiểm soát bởi Đảng Cộng hòa, vốn xưa nay bảo thủ về vấn đề tài khóa, ai cũng nghĩ là kế hoạch của Trump sẽ gặp trở ngại. Nhưng thực tế không phải như vậy, bởi vì có một cách để “làm đẹp” cho ngân sách và che đậy thực tế. Đó là phương thức chấm điểm linh hoạt (dynamic scoring), vốn vừa được thông qua hồi năm ngoái bởi những chính trị gia Đảng Cộng hòa như Phát ngôn viên Hạ viện Paul Ryan.
Giải thích một cách cơ bản, phương thức này cho phép chính phủ Trump và Đảng Cộng hòa có thể tha hồ “vẽ vời” ra tác động tích cực của việc cắt giảm thuế, dựa trên hàng loạt giả định về tương lai. Nếu biết cách “vẽ”, họ hoàn toàn có thể tạo ra những dự thảo ngân sách đẹp đẽ, cho thấy việc vừa giảm thuế vừa tăng chi tiêu sẽ chỉ mang lại những điều tích cực cho nền kinh tế.
Cho tới nay, việc phân tích ngân sách vẫn dựa trên quy trình chấm điểm tĩnh (static scoring), vốn giả định rằng GDP sẽ không bị ảnh hưởng khi chính quyền thay đổi các mức thuế hay chi tiêu. Quy trình này có ưu điểm là đơn giản và minh bạch. Nhưng giả định GDP không đổi rõ ràng là sai. Các công trình nghiên cứu lý thuyết và thực tế đều cho thấy rằng chính sách tài khóa có ảnh hưởng đến nền kinh tế, dù là dưới dạng gói kích thích của Obama hay cắt giảm thuế của Bush và Reagan. Hơn nữa, chấm điểm tĩnh làm giảm đi hiệu quả việc phân tích các thay đổi chính sách. Nếu cắt giảm thuế giúp kích thích tăng trưởng, nó sẽ giúp nguồn thu ngân sách sụt giảm ít hơn so với việc cứ ước lượng dựa trên giả định GDP không đổi.
Vì thế, việc sử dụng phương thức chấm điểm linh hoạt thì có vẻ đúng đắn hơn chấm điểm tĩnh về mặt lý thuyết. Phương thức này cho phép chính phủ ước lượng những lợi ích tương lai cho nền kinh tế từ việc cắt giảm thuế sau khi xem xét một loạt giả định. Trong đó, có một giả định chủ chốt là các Quốc hội kế nhiệm sẽ ứng phó thế nào với việc giảm nguồn thu ngân sách. Dĩ nhiên, nếu các thế hệ nghị sĩ tiếp theo có trách nhiệm hết mình trong việc cắt giảm thâm hụt thì mọi thứ đều sẽ như mong đợi, nhưng nếu ngược lại thì hậu quả sẽ cực kỳ khó lường.
Trump từng tuyên bố: "Tôi là chúa nợ. Tôi xử lý nợ rất giỏi. Không ai hiểu về nợ hơn tôi. Tôi đã xây dựng cả một gia tài nhờ nợ". Ảnh: CNN Money |
Một điểm mạnh của hệ thống hoạch định ngân sách chính phủ Mỹ là ở chỗ các bản dự thảo ngân sách được chấm điểm khá công khai về chi phí bỏ ra và lợi ích đem lại. Được thực hiện bởi Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) và một số cơ quan khác, quy trình này xem xét kỹ các ảnh hưởng lên nguồn thu và chi tiêu của chính quyền liên bang. Nó giúp hạn chế việc áp đặt các suy nghĩ chủ quan lên dự thảo ngân sách. Việc áp dụng chấm điểm linh hoạt có thể làm đảo ngược hoàn toàn tính chất của quy trình này.
Trung tâm Chính sách thuế bình luận: “Nếu việc sử dụng chấm điểm linh hoạt nghĩa là Quốc hội có thể sử dụng bất kì mô hình kinh tế vĩ mô nào mà họ muốn, tư duy của chúng ta sẽ bị kéo ngược lại 100 hay 150 năm trước. Có quá nhiều mô hình với một lượng cực lớn các giả định và cách lý giải. Việc tìm được một mô hình có thể ủng hộ cho bất kỳ giả thuyết nào không phải là hoàn toàn khả thi, nhưng cũng không quá xa sự thật”.
Hạ viện, vốn do đảng Cộng hòa nắm đa số, đã chấp thuận cách chấm điểm linh hoạt vào năm ngoái. Tuy nhiên, nó vẫn đang là đề tài gây nhiều tranh cãi ở Thượng viện, và bị các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ đối lập như ông Bernie Sanders chỉ trích kịch liệt. Những nhà lập pháp này cho rằng quy trình hoạch định ngân sách đã bị chính trị hóa. Điều này xuất phát từ thực tế là hiện không có một phương thức rõ ràng cho việc chấm điểm linh động, và chưa có quy trình hay nguyên tắc nào cho việc tính toán các giả định.
Dù sao đi nữa, tất cả những gì mà tân tổng thống Trump cần làm là tìm ra bằng được một mô hình có thể chứng minh rằng việc cắt giảm thuế cho người giàu, trong khi gia tăng chi tiêu thêm hàng trăm tỷ USD, sẽ là điều tốt cho nền kinh tế. Các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã chọn người đứng đầu CBO là ông Keith Hall, một cựu quan chức của chính quyền Bush, thay thế tiền nhiệm Douglas Elmendorf vốn thân cận với Đảng dân chủ. Việc “làm đẹp” cho ngân sách như vậy đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Chuyện xử lý thâm hụt ngân sách và gia tăng nợ công thì cứ "giả định" là các thế hệ lãnh đạo tiếp theo sẽ giải quyết được hết...
Có một sự thật là trước đây, cả chính quyền Bush và Reagan đều lý giải rằng việc cắt giảm thuế, đặc biệt là cho người giàu, sẽ dẫn đến việc tăng thuế về sau này để bù đắp lại. Và lần nào cũng vậy, rốt cuộc nước Mỹ đều rơi vào tình trạng khó khăn ngân sách.
Dưới thời cố Tổng thống Ronald Reagan, đã từng có khá nhiều ý kiến lạc quan về những ảnh hưởng tích cực của việc giảm thuế. Sự lạc quan này hóa ra là đi quá đà, và rốt cuộc là chính phủ phải tăng thuế trở lại để thu hẹp thâm hụt.
Sang tới thời Tổng thống George W. Bush (Bush con), việc cắt giảm thuế bắt đầu từ năm 2001 đã không tạo ra đủ kích thích tăng trưởng để bù đắp lại thiệt hại nguồn thu. Hậu quả trực tiếp của việc cắt giảm thuế dưới thời Bush con là thất thu tiền thuế, cũng như gia tăng thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia. Trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng 1991-2000, nguồn thu ngân sách của chính quyền liên bang chiếm bình quân 18,9% GDP. Trong thời kỳ tăng trưởng 2001-2007, con số này chỉ đạt 17,3%.
Tùng Lưu
Nguồn BI/NYT/TPC