Trump muốn đàm phán lại NAFTA: Ai mới là người hưởng lợi?
Giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có những lời lẽ cứng rắn về việc tái đàm phán Thỏa thuận Thương mại Tự do khu vực Bắc Mỹ (NAFTA), thì các chuyên gia kinh tế và những nhà quan sát khác đã tranh luận xem các thay đổi có thể xảy ra sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ như thế nào.
Tuy nhiên, một vấn đề ít được xem xét kỹ hơn là việc Mexico, đối tác thương mại lớn thứ 3 của Mỹ và là mục tiêu công kích thường xuyên của ông Trump về mặt thương mại và nhập cư, có thể bị ảnh hưởng như thế nào bởi những điều chỉnh trong thỏa thuận NAFTA, vốn có tuổi đời 23 năm.
Đã có một vài chuyên gia kinh tế đang phác thảo ra các kịch bản, trong đó Mexico có thể bất ngờ là người chiến thắng trong những cuộc đàm phán sắp tới. Dù hiện nay tăng trưởng của Mexico không tốt lắm, nhưng cũng khả quan hơn một số dự báo u ám trước đây về việc quốc gia này sẽ tuột dốc một khi “kỷ nguyên Donald Trump” thành hình.
“Kinh tế Mexico hiện có vấn đề, nhưng quốc gia này có lẽ là nền kinh tế tốt nhất ở khu vực Mỹ Latinh trong những năm gần đây”, Mark Zandi, kinh tế gia trưởng tại Moody's Analytics nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn.
Zandi nói thêm: “Quốc gia này đã trở nên ít phụ thuộc hơn vào sự lên xuống của giá dầu, và hội nhập hơn vào chuỗi cung cấp toàn cầu. Nếu xét đến lực lượng dân số trẻ của họ, Mexico hiện có một tương lai kinh tế tươi sáng, đặc biệt là nếu họ có thể giải quyết được vấn đề tội phạm và tham nhũng của mình”.
Lần cuối cùng Mỹ có thặng dư thương mại với Mexico là năm 1994, thời điểm NAFTA bắt đầu có hiệu lực. Ảnh: Washington Post |
Thật vậy, Citigroup gần đây đã nâng kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế Mexico lên 1,7% trong năm nay so với mức dự báo 1,2% hồi đầu năm. Theo các nhà phân tích của Citi, việc điều chỉnh lại “được dựa trên đánh giá mang tính xây dựng hơn về tương lai của sự hội nhập kinh tế tại khu vực Bắc Mỹ”.
“Trong mối quan hệ giữa Mexico với Mỹ, dường như chính quyền Trump đã suy nghĩ lại về các vấn đề thương mại. Giờ đây chúng tôi nghĩ rằng NAFTA sẽ được ‘tái cân bằng’ nhưng cũng ‘được nâng cấp’ theo những cách mà có thể có lợi cho Mexico”, ngân hàng Citigroup nói thêm.
Những nhận xét của Citi đã cho thấy một sự đồng thuận ngày càng gia tăng trong giới chuyên gia, rằng cách tiếp cận cứng rắn của ông Trump khi còn là một ứng cử viên đang nhường chỗ cho một suy nghĩ thực tế hơn với tư cách Tổng thống. Trump nói với đài CBS trong một cuộc phỏng vấn tuần trước rằng ông đang mở lòng đối với việc tái đàm phán NAFTA – nhưng cảnh báo rằng ông sẵn lòng bãi bỏ hiệp định này nếu các cuộc đàm phán giữa Canada và Mexico không mang lại kết quả tốt đẹp gì.
Rủi ro của Mexico
Đúng là không phải mọi chuyện đều tốt lành cho Mexico. Lạm phát tăng và lĩnh vực công nghiệp bị đình trệ đã “níu chân” tăng trưởng trong quý 1 của nước này. Đây là hai yếu tố gây nhiều lo ngại, khi Mexico bắt đầu những cuộc đàm phán thương mại đầy nhạy cảm với Mỹ.
Trong tháng Tư, lạm phát thường niên của Mexico đã tăng lên 5,62%, mức cao nhất trong vòng 8 năm. Đây là “một sự nhắc nhở rằng Mexico hiện đang đối mặt với những thách thức khác ngoài mối quan hệ không mấy tốt đẹp của họ với Mỹ, và có thể là những vấn đề lớn hơn”, William Adams, chuyên gia kinh tế quốc tế cao cấp tại PNC Financial Services Group, nói với CNBC.
Tỷ giá USD - peso Mexico đã ổn định trở lại ở mức 1 USD = 18,6 peso, sau khi đồng peso bị mất giá mạnh hồi đầu năm nay. Ảnh: Bloomberg |
Bàn về sự phục hồi của đồng peso Mexico sau khi bị mất giá ở mức 2 con số trong năm ngoái, Adams nói: “Nếu nhìn rộng hơn ngoài mặt chính sách thương mại, các thị trường có thể khám phá ra rằng những nền tảng kinh tế của đồng peso đã yếu đi trong 12 tháng qua, trong khi các nền tảng cơ bản của Mỹ mạnh lên”.
Tia hy vọng cho cải cách năng lượng
Mexico là một quốc gia sản xuất năng lượng lớn, cũng như là nơi tiêu thụ cực kỳ nhiều khí đốt thiên nhiên. Trong những năm gần đây, Mexico đã trở thành một điểm xuất khẩu quan trọng bậc nhất cho các nhà sản xuất khí đốt của Mỹ. Đây cũng là một phần trong những nỗ lực của Mexico để cải cách lĩnh vực dầu và khí đốt thiên nhiên của riêng mình.
“Khu vực Bắc Mỹ hầu như tự chủ về mặt năng lượng. Điều quan trọng là, 2 yếu tố của việc đàm phán lại NAFTA có thể thúc đẩy cả nguồn cung lẫn nguồn cầu ở Bắc Mỹ”, Bank of America-Merrill Lynch (BofA) gần đây đã bình luận như thế.
BofA đánh giá thêm: “Một mặt, sự gia tăng các mặt hàng xuất khẩu miễn thuế của Mexico sang Mỹ sẽ dẫn đến nhiều hoạt động công nghiệp của Mexico hơn, cũng như việc Mexico gia tăng nhu cầu tiêu thụ khí đốt thiên nhiên của Mỹ”. Theo dữ liệu của Cơ quan quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng nhập khẩu khí đốt thiên nhiên của Mexico đã tăng gần gấp ba kể từ năm 2010, và con số đó đang tiếp tục tăng lên.
“Mặt khác, cải cách năng lượng của Mexico đang tạo ra cơ hội lớn cho các công ty năng lượng, công nghệ và cơ sở hạ tầng Mỹ. Vì thế, theo quan điểm của chúng tôi, NAFTA vẫn sẽ được duy trì và thỏa thuận năng lượng lớn nhất thế giới sẽ ra đời từ đó”, BofA nói thêm.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Mexico chỉ đứng sau thâm hụt với Trung Quốc, Nhật và Đức. Ảnh: Los Angeles Times |
Theo dữ liệu từ Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR), kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và Mexico có trị giá khoảng 525 tỷ USD trong năm 2016. Trong đó Mỹ nhập một lượng hàng trị giá 294 tỷ USD từ Mexico, nhưng chỉ xuất được 231 tỷ, đồng nghĩa với thâm hụt 63 tỷ.
Đây là mức thâm hụt khiến cho ông Trump “nổi đóa” với NAFTA và tác động của hiệp định này lên tình hình việc làm tại Mỹ. Tuy nhiên, Trung tâm nghiên cứu độc lập Wilson Center, đưa ra một nghiên cứu hồi năm ngoái rằng việc giao thương với Mexico hiện tạo ra gần 5 triệu việc làm – gần bằng số việc làm mà ngành sản xuất Mỹ đã bị mất kể từ năm 2000.
“Ngay cả nếu NAFTA được thay đổi theo hướng có lợi cho Mỹ, thì cũng khó có chuyện các công việc mà Mỹ từng bị mất vào tay Mexico sau khi NAFTA được thông qua sẽ trở lại với nước Mỹ”, Zandi nói với CNBC.
“Những công việc trong ngành dệt may và sản xuất nhẹ sẽ rơi vào tay các nhà sản xuất có chi phí thấp ở những khu vực khác trên thế giới”, Zandi nói.
Lê Thanh Hải
Nguồn CNBC