Ảnh: Tech Crunch.
Trump đảo ngược lệnh cấm Huawei, chuyện gì đang xảy ra?
6 tuần sau khi Huawei bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen, động thái mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump được các tập đoàn viễn thông của Trung Quốc miêu tả như là một sự “Quay ngoắt 180 độ.”
Vào ngày 29/6, ông Trump tuyên bố rằng: “Các công ty Mỹ có thể bán thiết bị của họ cho Huawei, với điều kiện các giao dịch không gây ra các nguy cơ lớn về an ninh quốc gia.”
Những bình luận của Trump tại hội nghị G20 Nhật Bản được đưa ra sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cả 2 bên đã cùng bàn luận về những bế tắc trong đàm phán thương mại, và Huawei là một trong những trung tâm của tranh chấp.
► Mặc thương chiến, Apple chuyển sản xuất Mac Pro sang Trung Quốc
► Trung Quốc muốn một thỏa thuận thương mại cân bằng, Mỹ nói không
Trong tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã cấm các công ty Mỹ bán hàng cho Huawei nếu không có sự cho phép của chính phủ Mỹ. Các quan chức Mỹ cũng cáo buộc Huawei là mối nguy cơ đe dọa tới an ninh quốc gia và lợi ích của Mỹ tại nước ngoài.
Ông Trump cho biết Huawei vẫn là 1 chủ đề được bàn luận tại các buổi đàm phán thương mại đang và sắp diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng ít nhất là hiện giờ, ông Trump sẽ cho phép các công ty Mỹ bán hàng hóa cho Huawei.
Về phía Huawei cũng đăng dòng tweet trên trang Twitter của tập đoàn này: “Quay ngoắt 180 độ? Donald Trump đề nghị ông ấy có thể cho phép Huawei tiếp tục mua công nghệ của Mỹ!”
Bình luận với Fox News về thông điệp của ông Trump liên quan đến Huawei, ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế Nhà Trắng, cho biết chính quyền Mỹ đã không loại bỏ Huawei khỏi danh sách đen, vốn ngăn công ty Trung Quốc mua sản phẩm của Mỹ. Thay vào đó, Bộ Thương mại sẽ đơn giản cấp thêm giấy phép để cho phép các công ty Mỹ bán sản phẩm cho Huawei miễn là điều này không gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, ông Kudlow nói.
Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng. Ảnh: Getty/CNBC. |
Huawei sẽ vẫn nằm trong danh sách thực thể, vốn bị áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu và với những mặt hàng gây ảnh hưởng hay được cho là ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, thì sẽ không được cấp giấy phép, ông Kudlow nói thêm.
Huawei phụ thuộc nhiều vào chip máy tính nhập khẩu từ các công ty như Intel và Micron. Google cũng là công ty hỗ trợ hệ điều hành Android cho tập đoàn này. Vào tháng 5 vừa qua, gã khổng lồ Google đã cấm Huawei truy cập hệ điều hành Android nhằm tuân thủ lệnh cấm của Chính phủ Mỹ. Việc này đã giáng 1 đòn chí tử vào mảng kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei.
Micron coi Huawei là 1 trong những khách hàng lớn và đối mặt với doanh thu sụt giảm mạnh vì lệnh cấm, doanh thu từ việc kinh doanh các bộ phận điện thoại thông minh của doanh nghiệp này giảm 40% trong các tuần sau lệnh cấm Huawei. Micron thông báo vào đầu tuần này rằng doanh nghiệp này đã tìm ra các giải pháp thay thế cho lệnh cấm và đã có thể phục hồi việc vận chuyến hàng cho Huawei. Intel cũng có những bước đi tương tự.
Các công ty trên không đưa ra bất cứ bình luận nào sau thông điệp của Tổng thống Trump vào ngày 29/6.
Về phía Trump, ông cũng nhận ra rằng các nhà cung cấp Mỹ không vui vẻ gì với chính sách hiện thời. Ông nói rằng: “Các công ty Mỹ không hạnh phúc, họ chẳng thể bán được hàng. Và Mỹ bán 1 lượng khổng lồ các sản phẩm cho Huawei.”
Huawei, công ty được cho là đứng đầu thế giới về phát triển các công nghệ hỗ trợ mạng 5G, đã nói rằng việc cấm họ mua hàng hóa từ Mỹ sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Trong 1 động thái phản hồi lệnh cấm trên, tập đoàn này cho rằng: “Ngăn cản Huawei giao dịch với các công ty Mỹ sẽ không làm cho nước Mỹ an toàn hay mạnh hơn; mà thay vào đó sẽ hạn chế Mỹ trong việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến và phải tìm kiếm các lựa cho thay thế đắt đỏ hơn và khiến Mỹ tụt hậu trong việc triển khai mạng 5G.”
Nguồn CNN Money