Ngày 30.5, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 5% lên hàng nhập khẩu từ Mexico kể từ ngày 10.6. Ảnh: NYT.

 
Thứ Bảy | 01/06/2019 11:33

Trump đang mở rộng chiến tranh thương mại ra toàn cầu

Mexico, Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Canada: Chính quyền Trump đang mở rộng thương chiến để viết lại các mối quan hệ kinh tế trên toàn thế giới.

Mặt trận Trung Quốc

Sau khi đàm phán với Trung Quốc đổ bể, chính quyền Trump đã tăng thuế lên hơn 200 tỷ USD hàng hóa với Trung Quốc và đe dọa áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế số 2 thế giới.

Câu hỏi đặt ra là cuộc chiến thương mại này sẽ leo thang đến đâu, khi mà cả Trung Quốc và Mỹ đều không có dấu hiệu nhượng bộ.

Hai bên liên tục ăn miếng, trả miếng. Sau động thái của Mỹ, Trung Quốc cũng ngay lập tức tăng thuế với hàng hóa Mỹ nhập vào nước này.

Trump dang mo rong chien tranh thuong mai ra toan cau
Một cảng ở Thượng Hải. Ảnh: NYT.

Sau đó, ông Donald Trump lại tiếp tục leo thang hơn nữa khi đưa Huawei vào danh sách đen, cấm công ty này bán hàng tại Mỹ và buộc các công ty công nghệ Mỹ ngưng bán thiết bị cho niềm tự hào công nghệ của phía Trung Quốc. Động thái mới nhất của Trump nhắm vào Trung Quốc là việc Mỹ có ý định áp thuế 1.731% lên nệm từ Trung Quốc.

Đối mặt liên tiếp những đòn tấn công từ phía Mỹ, Trung Quốc cũng có những hành động của mình. Theo nguồn thạo tin của Bloomberg, Trung Quốc đã tạm ngưng mua đậu nành từ Mỹ sau khi thương chiến Mỹ-Trung leo thang.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đã úp mở về các biện pháp trả đũa tiềm năng trong những ngày gần đây. Bloomberg trích dẫn nguồn thạo tin cho biết rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng thực hiện hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ nếu cần. Biện pháp này có thể sẽ tập trung vào các loại đất hiếm nặng, một nhóm nhỏ các vật liệu mà Mỹ đặc biệt phụ thuộc vào Trung Quốc.

→ Trung Quốc sẽ trừng phạt các công ty công nghệ nghỉ chơi với Huawei?

Cũng theo Bloomberg, Trung Quốc cho biết nước này sẽ thiết lập một danh sách các thực thể được gọi là không đáng tin cậy, "mà họ nói là làm tổn hại lợi ích của các công ty trong nước", sau động thái của chính quyền Mỹ với Huawei.

Động thái này mở ra cơ hội cho Bắc Kinh nhắm mục tiêu vào hàng loạt gã khổng lồ công nghệ toàn cầu - từ Google, Qualcomm và Intel cho đến cả các nhà cung cấp bên ngoài nước Mỹ, vốn đã cắt đứt công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc. Các công ty đó có thể bao gồm Toshiba của Nhật Bản hay là Arm của Vương quốc Anh, Bloomberg nhận định.

Những mặt trận khác của Trump

Nhưng cuộc chiến thương mại của Trump không chỉ diễn ra với Trung Quốc.

Ngày 30.5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố trong một đoạn tweet rằng Mỹ sẽ áp thuế 5% đối với tất cả hàng hóa từ Mexico cho đến khi nước này ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Ông cho biết mức thuế sẽ tăng lên 10% vào ngày 1.7 nếu yêu cầu của Mỹ không được thực hiện, và thêm 5% cho mỗi tháng liên tiếp, lên tới 25% vào ngày 1.10.

Mùa thu năm ngoái, ông Trump dường như đạt được một thỏa thuận giải quyết sự mất cân bằng thương mại với Canada với Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada, phiên bản sửa đổi của Nafta. Hiệp định được cho là sẽ giúp bán sản phẩm sữa của Mỹ ở Canada dễ dàng hơn. Nhưng động thái mới nhất nhằm vào Mexico có thể làm hỏng nỗ lực của ông Trump để quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận này.

Trump dang mo rong chien tranh thuong mai ra toan cau

Xe hàng từ Mexico chuẩn bị vào Mỹ. Ảnh: Getty/NYT.

Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng đã chuyển hướng sang châu Âu khi đã đề ra thời hạn 180 ngày để đàm phán với EU và Nhật Bản về việc giảm xuất khẩu ô tô và phụ tùng của họ sang Mỹ, đây là phương thức gây áp lực tăng dần của vị Tổng thống Mỹ với các đối tác thương mại để đạt một thỏa thuận theo mong muốn của ông.

→ Thương chiến của Trump: Mặt trận châu Âu đang dần nóng lên?

Với Nhật Bản, giới phân tích nhận định ông Trump có thể dễ dàng đạt một thỏa thuận. Tuy nhiên, đối với châu Âu, vấn đề sẽ khó khăn hơn. Hạn chót cho việc đạt thỏa thuận liên quan đến ô tô sẽ đến ngay sau khi ban lãnh đạo mới của Ủy ban châu Âu được thành lập. Mỹ và Liên minh châu Âu còn quá nhiều bất đồng để có thể đạt được một thỏa thuận thương mại. “Tôi không nghĩ rằng Mỹ đã sẵn sàng bắt đầu các cuộc đàm phán về thuế quan”, bà Cecilia Malmstrom, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU), nói với các phóng viên ở Paris hồi đầu tháng này sau cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

Trên trang Market Watch, Chintan Karnani, nhà phân tích thị trường tại Insignia Consulting, cho biết Mỹ có ý định áp thuế quan thương mại đối với Mexico, Đức và các quốc gia khu vực đồng Euro khác ngoài Trung Quốc.

Nước Mỹ trên hết hay Nước Mỹ cô đơn

Với lời de dọa áp thuế quan mới lên Mexico, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết Mỹ đang bắt nạt những người khác vì lợi ích riêng của mình và sẽ trở nên cô đơn một hệ thống giao dịch toàn cầu.

Trump dang mo rong chien tranh thuong mai ra toan cau
Ảnh: TL

“Washington đã quen với việc lạm dụng vị thế siêu cường của mình và bắt nạt người khác vì lợi ích riêng của mình ... Sống trong một thế giới toàn cầu hóa, mỗi quốc gia cần hợp tác với những người khác để tồn tại và phát triển. Nhưng không ai muốn một đối tác kiêu ngạo, độc đoán và thất thường”, Tân Hoa Xã đã nhận định như vậy, trong một bài xã luận có tựa đề "Áp đặt 'Nước Mỹ trên hết' lên người khác sẽ dẫn đến ‘Nước Mỹ cô đơn’ ”.

→ Lãnh đạo châu Âu cô lập ông Trump vì chủ nghĩa dân tộc

Thực tế, các đối tác, đồng minh lớn nhất cũng đang dần tẩy chay nước Mỹ. Cụ thể vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự một buổi lễ do Pháp tổ chức, để kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất, nơi làm nổi bật giá trị của đồng minh và trái ngược với chủ nghĩa dân tộc mà ông theo đuổi. Khi ấy Tổng thống Pháp, Emanuel Macron, đã phát biểu rằng: "Pháp đã được thể hiện là người mang giá trị phổ quát trong những thời khắc tối tăm này, trái ngược với một quốc gia ích kỉ chỉ lo cho lợi ích riêng của mình", dường như ông Macron muốn nhắm vào "chính sách nước Mỹ trên hết của ông Trump".

Trước đó vào giữa năm 2017, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nói rằng: “Châu Âu không còn có thể tin cậy vào các đồng minh của mình”. Bà Merkel dường như muốn ám chỉ đến Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã chỉ trích các đồng minh quan trọng trong NATO và từ chối ủng hộ một hiệp định về thay đổi khí hậu toàn cầu.

Với chính Mexico, Tổng thống nước này, ông Andres Manuel Lopez Obrador, chỉ đơn giản là nói rằng: “Nước Mỹ trên hết chỉ là sự ngụy biện”, sau lời đe dọa áp thuế mới nhất lên Mexico của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.