Trump đang mắc sai lầm khi muốn bỏ luật Dodd-Frank?
Hôm 4/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lặp lại tuyên bố rằng ông sẽ thay đổi các luật lệ ngân hàng, với lý lẽ rằng các quy định giới hạn việc cho vay đã làm mất đi cơ hội tạo ra việc làm. Theo lý thuyết thì các điều kiện cho vay chặt chẽ hơn luôn tác động tiêu cực lên thị trường việc làm. Tuy nhiên, nếu xem xét kĩ dữ liệu gần đây thì cả 2 điều trên đều không hề xảy ra tại Mỹ lúc này.
Trump đã đưa ra bình luận trên sau cuộc họp tại Nhà Trắng với một nhóm lãnh đạo doanh nghiệp, và nhấn mạnh rằng chính quyền của ông đang muốn dỡ bỏ một phần Đạo luật Cải cách Phố Wall và Bảo vệ Người tiêu dùng, hay còn gọi là đạo luật Dodd-Frank. Đạo luật này được đưa ra sau khi hệ thống tài chính Mỹ sụp đổ vào năm 2008, và khiến kinh tế thế giới rơi vào đợt suy thoái mạnh nhất kể từ những năm 1930.
Ông Trump nói với các lãnh đạo doanh nghiệp rằng: “Các ngân hàng đã bị trói buộc quá chặt. Chúng ta muốn có một thệ thống luật lệ chặt chẽ, nhưng không phải là bằng những luật lệ khiến các ngân hàng không thể cho vay, và ngăn cản khả năng tạo thêm việc làm.
Lợi nhiều hơn hại
Tuy nhiên, thực tế là khi Dodd-Frank có hiệu lực vào tháng 7 năm 2010, tổng dư nợ tín dụng được cấp cho khối doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng Mỹ đã liên tục tăng cao. Hàng trăm ngàn việc làm mới cũng được tạo ra mỗi tháng, và giờ tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức dưới 5%.
Dư nợ tín dụng tại Mỹ không hề tăng chậm lại kể từ khi Dodd-Frank được thông qua. Ảnh: CNBC |
Nghị sĩ Barney Frank của bang Massachusetts, một trong 2 người tạo ra Đạo luật Dodd-Frank, cho rằng chỉ có đúng 1 điều khoản trong đạo luật dày 850 trang này trực tiếp giới hạn việc cho vay. Ông nói với CNBC: “Điều luật đó là đừng cho người nghèo vay tiền, nhất là những người không có khả năng thanh toán các khoản vay mua bất động sản. Điều giới hạn duy nhất ở đây là ngăn không cho các ngân hàng thực hiện các khoản cho vay thế chấp dưới chuẩn một cách vô trách nhiệm”.
Ông Frank cũng nói thêm rằng các phần còn lại trong đạo luật là nhằm kích thích hoạt động cho vay, bao gồm cả “quy tắc Volcker” đặt theo tên của cựu chủ tịch Fed Paul Volcker, nhằm khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn và không sa đà vào hoạt động đầu tư.
Nhìn chung, lợi nhuận của các ngân hàng Mỹ vẫn tiếp tục tăng lên, cao hơn gấp đôi so với khi thời kỳ suy thoái mới chấm dứt.
Làm khó hơn là nói?
Những nỗ lực để xóa bỏ một phần đạo luật Dodd-Frank đã bắt đầu ngay sau khi đạo luật này được kí. Những đảng viên Dân chủ muốn cải cách đã đối đầu quyết liệt với những đảng viên Cộng hòa ủng hộ thị trường tự do, kéo theo sự tham gia từ nhiều nhà vận động hành lang của 2 bên.
Đạo luật Dodd-Frank bao gồm 17 phần riêng biệt, quy định mọi thứ từ các khoản cho vay mua ô tô, tới tiền lương của các CEO và việc buôn bán khoáng sản từ các vùng đang xung đột tại Congo.
Kể từ khi Dodd-Frank được thông qua, lợi nhuận ngành ngân hàng Mỹ đã tăng rất mạnh. Ảnh: CNBC |
Một thời gian ngắn sau khi nhậm chức, ông Trump đã yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan quản lý tài chính khác xem xét lại các luật ngân hàng và tài chính tiêu dùng được tạo ra theo Dodd-Frank, vốn bị ông gọi là “thảm họa”.
Yêu cầu này của Trump không nêu rõ những luật nào mà ông muốn dỡ bỏ, và nếu Trump muốn làm như vậy thì cũng cần phải được quốc hội thông qua. Nhưng những người ủng hộ đạo luật này lưu ý rằng chính quyền Trump có thể chọn cách là nới lỏng một phần việc thực thi Dodd-Frank.
Với gần 400 nhóm luật lệ khác nhau, việc loại bỏ một phần Dodd-Frank sẽ dẫn tới nhiều cuộc tranh đấu tại Quốc hội Mỹ, và trở thành chùm khế ngọt cho những nhà vận động hành lang được trả lương hậu hình.
Đó là nguyên nhân tại sao cho tới nay Dodd-Frank vẫn là một công trình ngổn ngang. Tính đến tháng 7 năm ngoái, sau 6 năm được thông qua, gần 1/3 luật lệ của đạo luật này vẫn chưa được chốt lại hoàn toàn.
Nguồn CNBC