wp.com

 
Thứ Năm | 17/08/2017 12:53

Trump buộc phải giải thể 2 hội đồng tư vấn kinh tế

Nhiều CEO Mỹ lần lượt rời bỏ các hội đồng tư vấn, sau khi Trump không thể hiện được thái độ rõ ràng trước sự trỗi dậy của phong trào cực hữu.

Chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích các CEO rời khỏi các hội đồng tư vấn kinh tế của ông, Trump đã tuyên bố loại bỏ luôn 2 hội đồng trong nhóm này thay vì cố gắng tìm cách thuyết phục các CEO ở lại.

Trump đăng dòng tweet vào ngày thứ Tư: "Cảm ơn tất cả!".

Thông báo của Trump được đưa ra khoảng 1 giờ sau khi có báo cáo rằng một hội đồng tư vấn mang tên Diễn đàn Chiến lược và Chính sách (SPF) đã có cuộc thảo luận nội bộ và sắp sửa tự giải thể. SPF là một trong vài hội đồng tư vấn được Nhà Trắng lập ra để cố vấn chính sách kinh tế cho Tổng thống Trump, bên cạnh nhóm Hội đồng Sản xuất (MCI).

Trong những ngày qua, hàng loạt CEO lớn đã rời bỏ MCI và SPF sau khi Trump không thể hiện được thái độ rõ ràng trước những sự kiện gần đây tại thành phố Charlottesville (bang Virginia), nơi đã nổ ra những cuộc tuần hành của phe cực hữu và tân phát xít, cũng như của những người chống lại họ. Đỉnh điểm của chuỗi sự kiện này là khi một phần tử được cho là thuộc phe tân phát xít lái xe đâm vào đám đông, khiến 1 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Thay vì thẳng thừng lên án các phần tử tân phát xít như nhiều người đã kỳ vọng, Trump lại chọn cách nói nước đôi là cho rằng cả 2 phía (tân phát xít và những người chống phát xít) đều là có lỗi. Điều này đã khiến rất nhiều người thất vọng, và từ đó dẫn tới việc các CEO bắt đầu đồng loạt rời khỏi các hội đồng tư vấn kinh tế. Nó đi đến đỉnh điểm là Trump phải tuyên bố giải thể MCI và SPF, một động thái được cho là để giữ thể diện cho chính quyền của ông.

Đây là một đòn đau dành cho Trump, người vẫn hay tự cho mình là một doanh nhân giỏi. May thay, các thị trường phần lớn không bị ảnh hưởng bởi động thái này và chỉ số S&P 500 đã tăng gần 1%.

Tại một cuộc họp báo vào hôm thứ Ba, ông Trump cho biết ông sẽ thay thế những người đã rút khỏi hội đồng tư vấn của các CEO ngành sản xuất. Sau đó, ông đổ lỗi một phần sự hỗn loạn ở Charlottesville cho những người biểu tình phản đối phong trào cực hữu tân phát xít.

Ngay buổi tối hôm đó, sau khi nghe thông tin về bài phát biểu ​​của Trump, các thành viên của SPF - do CEO Stephen Schwarzman của Blackstone Group đứng đầu - bắt đầu lưỡng lự. CEO  Larry Fink của BlackRock Inc. đã gọi cho một số khách hàng của mình và nói ông dự định rút khỏi SPF, theo một nguồn tin của Bloomberg cho biết. Sáng hôm sau, Fink nói với Schwarzman rằng ông quyết định rút lui.

Vỡ trận

Trên một cuộc họp vào cuối buổi chiều thứ Tư với các thành viên của SPF, nhóm đã tiến hành lấy ý kiến về việc ai sẽ ở lại. Trong số khoảng 12 người tham gia, đã có 10 vị CEO bỏ phiếu rút lui, theo nguồn tin của Bloomberg cho biết. Theo nguồn tin này, nhóm SPF dự định nói với Nhà Trắng về quyết định của họ trước khi công bố rộng rãi.

Trong một tài liệu của Blackrock mà Bloomberg có được, Fink nói rằng tình trạng bạo lực, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài Do Thái ở Virginia cần phải bị thằng tay lên án.

Fink viết trong tài liệu này: " Tôi từ trước đã không đồng tình với Tổng thống trong nhiều vấn đề, nhưng tôi vẫn tiếp tục tham gia diễn đàn bởi vì tôi tin rằng tiếng nói của mình tại diễn đàn sẽ cần thiết với các nhà đầu tư, trong đó có các khách hàng của chúng tôi. Thật không may, trong vài ngày qua, tôi kết luận rằng tôi không còn có đủ lý do để tham gia diễn đàn nữa. Các sự kiện xảy ra tại Charlottesville, như tôi đã nói hôm thứ Hai, không thể là gì khác ngoài sự khủng bố. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự thù ghét không chỉ cần phải bị lên án, mà còn phải được lên án một cách không khoan nhượng".

Jamie Dimon, giám đốc điều hành JPMorgan Chase & Co., cũng là một thành viên của SPF và nói ông ủng hộ việc giải tán nhóm.

Theo một tài liệu mà Bloomberg có được, Dimon viết rằng: "Vai trò của một nhà lãnh đạo, dù trong doanh nghiệp hay chính phủ, là phải kết nối mọi người lại với nhau chứ không phải chia rẽ họ".

Nhóm SPF cho hay tranh cãi về những lời nhận xét của Trump về tình trạng bạo động ở Virginia đã dẫn họ tới quyết định giải thể.

Sự bất mãn của các CEO

Một số CEO thuộc nhóm MCI cũng đã rời hội đồng này từ trước, bao gồm CEO của Under Armor và Intel. Trước khi Trump thông báo giải thể MC và SPF, Inge Thulin (CEO của 3M) và Denise Morrison (CEO của Campbell Soup) cũng đã rời khỏi MCI.

Morrison cho biết: "Sau lời phát biểu của Tổng thống hôm qua, tôi không thể tiếp tục ở lại trong MCI. Tôi sẽ tiếp tục ủng hộ tất cả các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ủng hộ cho các giá trị đã làm cho nước Mỹ trở nên tuyệt vời".

Cuộc tranh cãi đã bắt đầu vào thứ Hai, khi CEO của Merck là Kenneth Frazier lên tiếng chống lại Trump, nói rằng việc rút lui khỏi MCI là "vấn đề lương tâm cá nhân" và nói rằng các nhà lãnh đạo Mỹ phải ngăn chặn "sự hận thù, kỳ thị và sự độc đoán của số đông".

Trong vài ngày qua, các CEO khác cũng đã ra thông điệp tương tự.

Jeffrey Immelt, chủ tịch HĐQT của General Electric, cho biết rằng ông cũng lên kế hoạch rút khỏi nhóm MCI. Immelt cho biết những phát biểu của ​Trump tại cuộc họp báo vào thứ Ba là “vô cùng phiền toái”.

Dan Eaton, giảng viên về đạo đức kinh doanh tại Đại học San Diego, cho biết việc giải tán các hội đồng không có nghĩa là giới doanh nhân Mỹ sẽ hoàn toàn quay lưng lại với Trump. Theo Eaton, các doanh nghiệp Mỹ vẫn sẽ ủng hộ Trump và Quốc hội Mỹ trong việc tiến hành cải cách thuế doanh nghiệp và chi tiêu cơ sở hạ tầng, miễn là chuyện đó có lợi cho họ.

Mạnh Đức

Nguồn Bloomberg