Trực thăng hạng nặng của Hải quân Mỹ gặp nạn
Thông tin trên được hãng Lenta cho biết, theo đó rất may mắn toàn bộ 25 binh sĩ có mặt trên máy bay sống sót. Khi gặp nạn, chiếc CH-53E Super Stallion gặp nạn khi đang đưa các binh sĩ thuộc lực lượng đánh thủy trở về tàu đổ bộ USS Mesa Verde sau cuộc tập trận tại Djibouti.
Ngay sau đó, lực lượng Hải quân Mỹ ra thông báo khẳng định, đây chỉ là sự cố kỹ thuật, không có yếu tố khủng bố.
Tàu đổ bộ USS Mesa Verde chở 550 lính thủy đánh bộ của Mỹ, vào vùng Vịnh giữa tháng 6/2014, gia nhập đội hình cùng tàu sân bay lớn nhất thế giới USS George Bush đã có mặt tại đây từ trước, nhằm hỗ trợ Mỹ giúp Chính phủ Iraq chiến đấu chống lực lượng phiến quân Hồi giáo thuộc tổ chức Nhà nước Iraq và Cận Đông.
Hồi tháng 1/2014, một chiếc CH-53E của Mỹ cũng bất ngờ gặp nạn tại bờ biển tiểu bang Virginia. Theo đó, ngày 8/1 Hải quân Mỹ đã xác thực, một chiếc trực thăng vận tải hạng nặng CH-53E của Hải quân Mỹ đã xảy ra sự cố tại bờ biển tiểu bang Virginia, làm 1 người bị chết, 3 người bị thương và một người khác mất tích.
Theo nguồn tin, chiếc trực thăng này khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện tại khu vực biển gần bang Virginia, trong khi hạ cánh cứu hộ dưới nước thì xảy ra sự cố. Trực thăng này bị rơi tại khu vực thành phố Norfolk, công tác tìm kiếm cứu nạn đang được triển khai.
Căn cứ hải quân Norfolk tại tiểu bang Virginia là một căn cứ quan trọng của Quân đội Mỹ, cũng là căn cứ hải quân lớn nhất thế giới, hỗ trợ cho các hoạt động của tàu chiến thuộc Bộ tư lệnh Các lực lượng Hạm đội Mỹ tại Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương.
CH-53E – trực thăng số 1 của Quân đội Mỹ
CH-53E do hãng Sikorsky Aircraft (Mỹ) thiết kế cải tiến mạnh mẽ từ biến thể CH-53D Sea Stallion. Nó chính thức được đưa vào biên chế năm 1981 và từ đó trở thành “trụ cột” của Lính thủy Đánh bộ Mỹ trong tất cả các nhiệm vụ vận tải hạng nặng và chuyển quân.
Thiết kế CH-53E đã được cải thiện đáng kể so với biến thể CH-53D Sea Stallion trước đây, bao gồm: hệ thống truyền lực mạnh mẽ hơn; cánh quạt 7 lá bằng vật liệu tổng hợp titan và sợi thủy tinh và trang bị hệ thống điều khiển bay tự động. Đây là hệ thống kiểm soát bay kỹ thuật số của Quân đội Mỹ giúp ngăn chặn các sai sót trong điều khiển của phi công.
Biến thể CH-53E trang bị 3 động cơ tuốc bin trục T64-GE-416 (biến thể cũ chỉ có 2) giúp “con quái vật” này tạo ra đủ lực nâng để vận chuyển 55 binh sĩ hoặc 13,6 tấn hàng hóa trong khoang hoặc 14,5 tấn bên ngoài. Chừng đó là đủ để nâng thiết bị nặng như xe bọc thép hạng nhẹ 8 bánh LAV-25 cho đến hầu hết các loại máy bay và trực thăng có trong biên chế của Lính thủy Đánh bộ Mỹ.
Ngoài ra, cánh quạt 7 lá của CH-53E sẽ tạo ra “cơn lốc xoáy” nhân tạo đủ sức quật ngã bất kỳ người đàn ông khỏe mạnh nào mỗi khi nó hạ thấp xuống mặt đất.
Được trang bị 3 động cơ mạnh mẽ, nên dù có kích thước lớn (dài 30,2m, cao 8,46m, trọng lượng cất cánh tối đa 33,3 tấn) nhưng nó vẫn có khả năng đạt tốc độ tới 315km/h, tầm hoạt động 1.000km.
Nó được lắp đặt thiết bị triệt tiêu hồng ngoại trên ống xả động cơ làm giảm tín hiệu nhiệt của máy bay trực thăng. Điều này giúp máy bay hạn chế khả năng bị tên lửa đối không tầm nhiệt “tìm diệt”.
Nếu cần, CH-53E Super Stallion cũng được trang bị một hệ thống gây nhiễu, bắn ra các sợi phản xạ lưỡng cực nửa bước sóng khiến tên lửa đối không dùng đầu tự dẫn radar chủ động không bắt được mục tiêu.
Trực thăng “khổng lồ” này cũng được vũ trang nhẹ để yểm trợ lực lượng mặt đất hoặc tự bảo vệ nó.
Theo đó, CH-53E gắn 2 súng máy 12,7mm ở 2 sườn và một súng cùng cỡ ở phía đuôi. Thậm chí chúng cũng có thể mang theo một tên lửa không đối không tự dẫn hồng ngoại AIM-9 Sidewinder hoặc 2 quả FIM-92 Stinger. Dù vậy, CH-53E chưa bao giờ phải sử dụng loại tên lửa này trong chiến đấu.
Nguồn Đất Việt